Khi nhận thấy cơ thể có dấu hiệu bất thường, ông H.C. (nam, 43 tuổi, trú tại Hà Nội, nhân viên giao hàng) lập tức đến khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội).
Khi đang làm thủ tục đăng ký khám, ông C. bất ngờ ngừng tuần hoàn, thở ngáp và hôn mê. Các nhân viên y tế nhanh chóng cấp cứu ép tim, cho bệnh nhân thở máy, dùng thuốc cấp cứu, đồng thời can thiệp đặt stent tái thông động mạch vành. May mắn, ông C. hồi tỉnh.
Sau khi hội chẩn liên khoa, can thiệp mạch vành, bệnh nhân được chuyển về khoa Hồi sức tim mạch để điều trị với chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp, tắc hoàn toàn động mạch liên thất trước.
Nếu kéo dài thời gian và đợi hoàn thiện các thủ tục hành chính, tài chính, cơ hội cứu bệnh nhân sẽ thấp hơn rất nhiều do hoại tử cơ tim tiến triển.
Bệnh nhân sau khi được rút ống nội khí quản. Ảnh: BVCC. |
Bác sĩ Phạm Văn Chính, khoa Hồi sức Tim mạch, cho biết: "Với trường hợp này, yêu cầu đầu tiên là phải ép tim ngay và đảm bảo cấp cứu có chất lượng, kỹ thuật tốt để bệnh nhân có cơ hội hồi phục nhịp tim, tránh tổn thương não. Đồng thời, nhân viên y tế phải tìm nguyên nhân và giải quyết đúng cách để đảm bảo kết quả điều trị tối ưu, hạn chế biến chứng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh".
Tại khoa Hồi sức tim mạch, các thông số chức năng của bệnh nhân nhanh chóng cải thiện... Một ngày sau, ý thức bệnh nhân hồi phục hoàn toàn, được rút ống nội khí quản, giảm dần các thuốc hồi sức tim mạch. Chức năng các cơ quan khác của bệnh nhân hoàn toàn ổn định. Ông C. có thể ra viện sau 5 ngày điều trị.
Nhồi máu cơ tim cấp là bệnh lý tim mạch nguy hiểm thường gặp. Dù tỷ lệ tử vong do nhồi máu cơ tim giảm, hậu quả và biến chứng sau nhồi máu cơ tim vẫn là vấn đề đáng lo ngại nếu không được cấp cứu kịp thời.