Ngày 7/4, bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Thanh Phong, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ (BVĐKTWCT), cho biết bệnh nhân là ông P.V.T. (59 tuổi, ở Sóc Trăng).
Bên cạnh đó, các bác sĩ cũng tiếp nhận hai trường hợp bị bóc tách cấp tính động mạch chủ ngực - bụng có biến chứng chèn ép mạch máu nuôi ruột. Đó là bà V.T.H. (55 tuổi, ngụ tỉnh Hậu Giang) và ông L.V.H. (49 tuổi, ở quận Ô Môn, TP Cần Thơ). Các bệnh nhân nhập viện cấp cứu trong tình trạng đau ngực và bụng dữ dội kèm chướng bụng.
Sức khỏe của 3 bệnh nhân đã ổn định. Ảnh: T.P. |
Theo bác sĩ Phong, vị trí tổn thương của 3 bệnh nhân phức tạp liên quan đến các nhánh động mạch nuôi não. Nếu chọn phương pháp phẫu thuật thay toàn bộ đoạn động mạch bằng mạch máu nhân tạo kèm các cầu nối động mạch nuôi não, đường mổ lớn, nguy cơ bệnh nhân bị hạ nhiệt độ sâu, ngừng tuần hoàn, xảy ra các biến chứng lên não, gan, thận…
Vì vậy, các bác sĩ quyết định phương pháp điều trị khác là đặt stent graft (giá đỡ) động mạch chủ. Được sự hỗ trợ chuyên môn của Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), các bác sĩ tại Cần Thơ đã can thiệp thành công cho 3 bệnh nhân. Chiều 7/4, những bệnh nhân này vận động, ăn uống tốt.
Phình - bóc tách động mạch chủ xảy ra khi thành mạch bị giãn hoặc bóc tách, tiến triển dần yếu, mỏng dẫn tới nguy cơ tử vong do vỡ. Trước đây, bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp mổ hở thay đoạn động mạch chủ bị tổn thương bằng một ống ghép mạch máu nhân tạo. Với phương pháp này, bệnh nhân phải chịu nhiều đau đớn, tỷ lệ tử vong cao do cuộc mổ kéo dài, thời gian nằm viện lâu, nhiều biến chứng phẫu thuật.
“Kỹ thuật stent graft đã được chứng minh mang lại lợi ích, an toàn cho bệnh nhân so với phẫu thuật kinh điển. Đây là kỹ thuật ngoại khoa tim mạch chuyên sâu, thường được triển khai tại các nước phát triển và những trung tâm tim mạch lớn”, bác sĩ Phong chia sẻ.