Theo thông tin từ khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng, bệnh nhi là N.P.Q. (12 tuổi, trú tại Trùng Khánh, Cao Bằng) nhập viện trong tình trạng đau vùng lưng, ngực, bụng, hông phải, hạn chế vận động.
Bệnh nhi này được chuyển đến từ Trung tâm Y tế huyện Trùng Khánh. Sau khi thăm khám, chụp X-quang và cắt lớp vi tính, bé Q. được chẩn đoán chấn thương bụng, ngực do tai nạn sinh hoạt. Các bác sĩ khoa Ngoại Tổng hợp đã hội chẩn liên khoa Gây mê hồi sức, Chấn thương chỉnh hình và thống nhất mổ cấp cứu dẫn lưu màng phổi, theo dõi điều trị nội khoa tổn thương khác.
Sau mổ, bé Q. sức khỏe ổn định, tỉnh, tiếp xúc tốt và được theo dõi, điều trị tại khoa Hồi sức tích cực.
Sau mổ, cháu Q. sức khỏe ổn định, tỉnh, tiếp xúc tốt. Ảnh: BVCC. |
Tai nạn thương tích (TNTT) ở trẻ là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong và di chứng tàn tật suốt đời. Dù nhiều biện pháp phòng chống TNTT cho trẻ được thực hiện, tuy nhiên tình trạng nhập viện vẫn chưa giảm. Phần lớn trường hợp TNTT ở trẻ em xảy ra là do sự bất cẩn của người lớn. Bởi vậy, để hạn chế TNTT cho trẻ, trước hết cần sự quan tâm, chăm sóc của phụ huynh.
Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng đã tiếp nhận và xử trí rất nhiều trường hợp trẻ bị tai nạn do ngã, bỏng, tai nạn giao thông, đuối nước, ngộ độc...
Qua sự việc trên, các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh cần chú ý đến con nhỏ nhiều hơn. Trẻ lớn nhưng tính hiếu động, mải chơi cũng vô tình gây ra những tai nạn đáng tiếc. Bên cạnh đó, người lớn cần trang bị cho con những kiến thức, kỹ năng cơ bản nhất để bảo vệ bản thân, không chơi các trò chơi nguy hiểm.
Trẻ lớn cần chú ý an toàn khi chơi, không được nhảy từ trên cao xuống, tránh những bức tường, hàng rào, lan can không chắc chắn. Trong trường hợp xảy ra tai nạn, người dân cần ngay lập tức đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời, tránh nguy hiểm tính mạng hoặc để lại di chứng gây tổn hại sức khỏe.