Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sai lầm khi chữa táo bón

Bác sĩ Đỗ Văn Nam khuyến cáo khi bị táo bón, nếu không xử trí đúng cách, bệnh nhân có thể gặp nguy hiểm.

Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội) đã tiếp nhận nữ bệnh nhân 82 tuổi trong tình trạng nguy kịch, sốc nhiễm khuẩn nặng do vỡ đại tràng sau khi dùng vòi xịt toilet.

Theo lời kể của gia đình, bệnh nhân có tiền sử táo bón nhưng chưa được điều trị. Một ngày trước khi vào viện, bà đi ngoài khó khăn nên đã tự dùng vòi rửa toilet áp lực cao xịt trực tiếp vào hậu môn. Sau đó, bệnh nhân thấy đau âm ỉ tại vùng bụng dưới bên trái, đau tăng dần và lan ra khắp ổ bụng.

Người bệnh được gia đình đưa vào khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 khám, chụp X-quang, siêu âm... Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân vỡ đại tràng sau dùng vòi xịt toilet để thụt tháo hậu môn.

Ngay lập tức, người bệnh được các bác sĩ phẫu thuật cấp cứu. Khi phẫu thuật ổ bụng của bệnh nhân có nhiều cặn bẩn, viêm phúc mạc do dịch phân chảy ra qua vị trí vỡ đại tràng. Bác sĩ đã khâu vị trí vỡ, làm hậu môn nhân tạo và lau rửa ổ bụng.

Sau phẫu thuật, người bệnh ở trong tình trạng ý thức lơ mơ, huyết áp tụt thấp, suy đa tạng và được đưa tới Trung tâm Hồi sức tích cực. Qua quá trình điều trị tích cực, tình trạng người bệnh dần ổn định và được xuất viện sau 2 tuần.

Bác sĩ Đỗ Văn Nam, Trung tâm Hồi sức tích cực, cho biết: "Chúng tôi nhận thấy việc thiếu hiểu biết về bệnh táo bón rất đáng báo động. Hậu quả là có trường hợp nguy hiểm tính mạng do xử trí không đúng cách".

Bác sĩ Nam cho hay một người được chẩn đoán bị táo bón khi có ít nhất 2 trong các triệu chứng như đại tiện ít hơn 3 lần mỗi tuần, rặn nhiều, phân khô cứng, cảm giác đi tiêu không hết, đôi khi phải dùng tay lấy phân.

vo dai trang sau dung voi xit toilet anh 1

Việc thiếu hiểu biết về bệnh táo bón rất đáng báo động. Ảnh: Lightfieldstudios.

Táo bón thường không gây tử vong, tuy nhiên có thể dẫn đến các biến chứng khá trầm trọng như trĩ, nứt hậu môn, sa trực tràng, tắc ruột.

Người bệnh nên đi khám khi có các triệu chứng sau:

- Các triệu chứng nặng lên và kéo dài hơn 3 tuần.

- Thay đổi đáng kể thói quen đại tiện (ví dụ táo bón xen kẽ với tiêu chảy).

- Đau dữ dội ở hậu môn khi đi tiêu.

- Chảy máu trực tràng.

- Bệnh trĩ.

- Vết nứt hậu môn.

- Rò trực tràng hoặc sa trực tràng.

- Nôn kèm với táo bón và đau bụng (điều này có thể gợi ý tắc ruột).

- Táo bón liên tục, đi kèm với đau bụng và sốt.

Bác sĩ Nam khuyến cáo người dân tuyệt đối không dùng vòi xịt toilet để thụt tháo hậu môn khi bị táo bón. Vòi xịt toilet thường được thiết kế tăng áp, tức là có áp lực nước mạnh gấp 3-4 lần so với các loại bình thường. Do đó, dùng vòi xịt toilet để thụt tháo hậu môn là việc làm rất nguy hiểm. Mức độ nhẹ có thể gây ra các tổn thương, viêm nhiễm ở niêm mạc hậu môn, trực tràng. Nặng nề hơn, người bệnh có thể vỡ đại tràng, trực tràng.

Bé 2 tuổi bị chó cắn tổn thương nặng vùng đầu

Mẹ bệnh nhi cho biết cháu bé không may bị chó của nhà hàng xóm tấn công. Phát hiện sự việc, người thân vội đưa con đến trạm y tế để sơ cứu, sau đó chuyển lên tuyến trên.

Phương Anh

Bạn có thể quan tâm