Chiều 3/1, TAND Hà Nội tiếp tục phiên xử đối với cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long về cáo buộc nhận 2,25 triệu USD trong đại án kit test Việt Á, cùng với 37 bị cáo khác.
Trong 38 bị cáo của vụ án, ông Nguyễn Thanh Long cùng Nguyễn Huỳnh (cựu thư ký của ông Long) bị VKSND Tối cao truy tố về tội Nhận hối lộ.
Các bị cáo còn lại bị truy tố về các tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Đưa hối lộ và Lợi dụng ảnh hưởng với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi.
Ông Nguyễn Thanh Long phủ nhận gợi ý Việt Á đưa tiền
Cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long. Ảnh: Trung Xuân. |
Được tòa xét hỏi, cựu Bộ trưởng Y tế cho biết đã nhận được kết luận điều tra và cáo trạng, song ông không có ý kiến gì về tội danh.
Liên quan hành vi nhận của cựu Tổng giám đốc Việt Á Phan Quốc Việt 2,25 triệu USD, ông Long trình bày, sau khoảng 9-10 tháng cấp phép tạm thời, thư ký Nguyễn Huỳnh có đưa tiền cho tôi, tôi hỏi lại tại sao đưa, Huỳnh trả lời "do làm ăn được nên đưa cảm ơn".
"Tại sao nói là công tâm, không ưu ái Việt Á trong quá trình cấp phép mà lại nhận tiền", chủ tọa đặt câu hỏi. "Tôi có hỏi ông Huỳnh tại sao lại đưa tiền, thì Huỳnh nói là cảm ơn. Tôi đã nhận và xin lỗi", cựu Bộ trưởng Y tế nói, giọng chậm rãi.
Cũng theo ông Long, bản thân ông không có bất cứ gợi ý nào trong những lần bị cáo Việt đưa tiền cho ông Nguyễn Huỳnh.
Trước câu hỏi của HĐXX về việc bị cáo Long phủ nhận gợi ý Việt Á đưa tiền, được gọi lên trả lời, ông Nguyễn Huỳnh khai "ông Nguyễn Thanh Long có nói Việt hỗ trợ, mỗi lần 1 triệu USD để lo công việc".
Liên quan việc kê biên tài sản trong quá trình điều tra, bị cáo Long cho biết đã nói gia đình khắc phục toàn bộ số tiền 2,25 triệu USD, hiện ông bị kê biên một ngôi nhà và mảnh đất ở Quốc Oai, Hà Nội.
"Bị cáo không biết trong túi quà có 200.000 USD"
Còn bị cáo Chu Ngọc Anh, cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ trình bày, trong tình hình cấp bách phòng chống dịch, Bộ đã thực hiện đặt hàng Học viện Quân Y để nghiên cứu đề tài kit xét nghiệm, lấy kinh phí Nhà nước cấp, để thực hiện các nhiệm vụ về khoa học và công nghệ.
Cựu Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh. Ảnh: Trung Xuân. |
Do đây là thời điểm cấp bách, nên với vai trò là Bộ trưởng, bị cáo đã trực tiếp ký quyết định đặt hàng, còn bình thường các việc này đều do Thứ trưởng phụ trách ký duyệt.
Bị cáo khẳng định, theo quy định, sau khi đề tài hoàn thành, phải chuyển giao lại để Bộ Khoa học và Công nghệ sử dụng, bị cáo là đại diện chủ sở hữu, do Bộ Khoa học và Công nghệ là đơn vị chủ trì. Cùng với đó, khi chuyển giao phải có đề án đánh giá sau khi nghiệm thu chính thức, nhưng đề tài này đã không thực hiện, mà tiến hành nghiệm thu giai đoạn một.
Cũng theo bị cáo Chu Ngọc Anh, sau khi đề tài được Học viện Quân Y hoàn thành, Công ty Việt Á là đơn vị phối hợp, nhưng do "anh em" trình sai, nên bị cáo đã ký sai. "Thời gian này có rất nhiều công việc nên không chú ý hết được", cựu Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ nói.
Chủ tọa đặt vấn đề tại sao khi nghiệm thu, khen thưởng, đề tài lại đứng tên Công ty Việt Á. Cựu Bộ trưởng Chu Ngọc Anh ngập ngừng: "bị cáo nghĩ Học viện Quân Y là đơn vị chủ trì, còn hợp đồng được “ký nháy” thì mới liên quan tới Công ty Việt Á".
Cựu Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ cũng thừa nhận, do công tác quản lý không chặt, nên mới để xảy ra những sai phạm trong vụ án.
Liên quan tới việc nhận tiền, bị cáo Chu Ngọc Anh nói, không có thỏa thuận hay đòi hỏi gì, Phan Quốc Việt tự đưa 200.000 USD để “cảm ơn”. "Bị cáo cũng không biết trong túi quà có tiền, mãi cho đến khi chuyển công tác, dọn dẹp đồ đạc", ông nói thêm.
Cựu Tổng giám đốc Việt Á Phan Quốc Việt. Ảnh: Trung Xuân. |
Theo cáo trạng, đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát, lợi dụng chủ trương của Nhà nước về việc giao các đơn vị nghiên cứu chế tạo sinh phẩm phục vụ phòng, chống dịch; Phan Quốc Việt đã thông đồng với các bị cáo có chức vụ tại Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế, Văn phòng Chính phủ để Công ty Việt Á được tham gia thực hiện đề tài.
Cáo trạng xác định, để được tham gia nghiên cứu, cấp số đăng ký lưu hành sản phẩm, hiệp thương giá, Việt bị cáo buộc đưa hối lộ 106 tỷ đồng, trong đó có 3 triệu USD và 4 tỷ đồng (tổng 82 tỷ đồng) chi cho 6 quan chức.
Ngoài ra, Phan Quốc Việt còn chi tiền "cảm ơn" ông Nguyễn Văn Trịnh (cán bộ Văn phòng Chính phủ) 200.000 USD; ông Chu Ngọc Anh 200.000 USD và ông Phạm Công Tạc 50.000 USD.
Theo nhà chức trách, hành vi nhận tiền "cảm ơn" của ông Trịnh, Ngọc Anh và ông Tạc là tiền hưởng lợi do lợi dụng chức vụ, quyền hạn. Những người này được xác định không gây khó khăn để Phan Quốc Việt phải đưa tiền, nên không cấu thành hành vi đưa, nhận hối lộ.
Cáo trạng nêu trong năm 2020 và 2021, Công ty Việt Á đã sản xuất 8,7 triệu kit test và tiêu thụ được 8,3 triệu sản phẩm với đơn giá 470.000 đồng. Trong đó, Việt Á đã được thanh toán gần 6 triệu kit test, tổng giá trị hơn 2.235 tỷ đồng.
Tủ sách pháp luật sẽ giúp độc giả của Znews tìm hiểu sâu hơn về các luật, bộ luật, cũng như dễ dàng tiếp cận các quy định về đăng ký tạm trú, xử phạt hành chính…