Trong 2 ngày 30 và 31/7, TAND TP Đà Nẵng xét xử vụ án “Nhận hối lộ”, “Tham ô tài sản” và “Đưa hối lộ do” do cựu Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng làm chủ mưu.
Bị cáo Hồ Văn Khoa, cựu Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng. |
Cụ thể, bị cáo Hồ Văn Khoa (51 tuổi, cựu Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng), Võ Thiên Sinh (46 tuổi, cựu Phó Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ), Võ Thành Quý (38 tuổi, cựu Trưởng phòng Quản lý đô thị), Trần Phước Mỹ (50 tuổi, cựu Phó Trưởng phòng quản lý đô thị thuộc UBND quận Cẩm Lệ) cùng bị xét xử về tội “Nhận hối lộ”.
Các bị cáo Võ Thành Quý, Phan Văn Tiến (36 tuổi, cựu chuyên viên Phòng Quản lý đô thị thuộc UBND quận Cẩm Lệ), Hoàng Ngọc Tiến (35 tuổi, Phó Giám đốc Công ty Aldes) cùng bị xét xử về tội “Tham ô tài sản” và Nguyễn Đặng Nhất Duy (43 tuổi, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thy Nghĩa Hưng) bị xét xử về tội “Đưa hối lộ”.
Theo cáo trạng, trong năm 2021 và 2022, quận Cẩm Lệ thực hiện 2 gói thầu duy tu, nạo vét bùn các tuyến mương, cống thoát nước đường dưới 10,5m trên địa bàn với tổng kinh phí hơn 16,4 tỷ đồng. Phòng Quản lý đô thị quận Cẩm Lệ được giao nhiệm vụ làm bên mời thầu, thực hiện các công tác đấu thầu.
Năm 2021 sau khi có phê duyệt dự toán, Hồ Văn Khoa chỉ đạo Võ Thiên Sinh và Lê Hoài Nam (Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Cẩm Lệ - đã mất) nghiên cứu, tìm nguồn thu cho các hoạt động riêng của UBND quận Cẩm Lệ.
Nguyễn Đặng Nhất Duy (Phó Giám đốc Công ty TNHH Thy Nghĩa Hưng) biết thông tin sẽ tổ chức đấu thầu gói thầu thoát nước nên gặp Lê Hoài Nam nhờ giúp đỡ khi dự thầu. Nam chỉ đạo Trần Phước Mỹ (Phó Trưởng phòng quản lý đô thị) và Phan Văn Tiến (Chuyên viên Phòng Quản lý đô thị) hỗ trợ cung cấp các thông tin liên quan đến gói thầu cho Duy để có lợi thế khi dự thầu.
Từ tháng 2/2021, Nam bị bệnh nên công việc của Phòng Quản lý đô thị được giao lại cho Võ Thành Quý tạm thời phụ trách.
Theo chủ trương của Hồ Văn Khoa, Sinh chỉ đạo Mỹ sau khi chấm thầu, thương thảo hợp đồng xong thì gọi doanh nghiệp lên làm việc trực tiếp với Khoa và Sinh để thỏa thuận mức doanh nghiệp sẽ phải trích lại bao nhiêu phần trăm số tiền trúng thầu rồi mới ký quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu.
Khoa cũng giao cho Quý có nhiệm nhận tiền doanh nghiệp trích lại sau khi có quyết định phê duyệt trúng thầu.
Trên cơ sở giá dự thầu, có chỉ đạo của Khoa, Quý và Duy trao đổi và thống nhất số tiền trích lại là 33% giá trị trúng thầu trước thuế VAT (tương đương khoảng 2,4 tỷ đồng). Cuối năm 2021, sau các đợt thanh toán, Duy đã trích lại 2,4 tỷ đồng, trong đó đưa cho Quý 2,15 tỷ đồng.
Đối với gói thầu năm 2022 có giá hơn 7,9 tỷ đồng, việc tổ chức đấu thầu cũng được thực hiện như năm 2021 và Duy đã “lại quả” 1 tỷ đồng. Tổng số tiền các bị cáo đã nhận từ Nguyễn Đặng Nhất Duy năm 2021 và năm 2022 là 3,15 tỷ đồng.
Các bị cáo tại phiên xét xử. |
Với gói thầu thuê giám sát dịch vụ duy tu, nạo vét bùn các tuyển mương, cống thoát nước trên địa bàn quận Cẩm Lệ năm 2021, Võ Thành Quý lợi dụng chức vụ, quyền hạn câu kết với Hoàng Ngọc Tiến, lấy pháp nhân là Công ty Aldes lập khống hồ sơ thi công và thanh quyết toán, chiểm đoạt hơn 195 triệu đồng tiền ngân sách Nhà nước.
Sau 2 ngày xét xử, chiều 31/7, HĐXX TAND TP Đà Nẵng tuyên phạt Hồ Văn Khoa và Võ Thiên Sinh cùng mức án 9 năm tù, Võ Thành Quý 7 năm tù, Trần Phước Mỹ 5 năm tù cùng về tội “Nhận hối lộ”.
Trong đó, Võ Thành Quý nhận thêm mức án 2 năm tù về tội “Tham ô tài sản”, tổng hợp hình phạt bị cáo Quý phải chấp hành là 9 năm tù.
Tòa cũng tuyên bị cáo Nguyễn Đặng Nhất Duy mức án 8 năm tù về tội “Đưa hối lộ”, Hoàng Ngọc Tiến mức án 2 năm tù về tội “Tham ô tài sản”. Riêng Phan Văn Tiến mức án 18 tháng tù về tội “Tham ô tài sản” nhưng cho hưởng án treo.
Sách hay về xã hội
Văn minh Việt Nam - nhà dân tộc học Georges Condominas từng nhận xét tác phẩm này là “Cửa sổ để thế giới hiểu về Việt Nam”.
Sách Bàn về Quốc hội - những thách thức của những khái niệm là kết quả của cả một quá trình tích lũy và suy ngẫm của tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.