Chiều 24/5, TAND Hà Nội tuyên phạt ông Trần Ngọc Hà (58 tuổi, cựu Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam - VEAM) 11 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Cùng tội danh trên, ông Lâm Chí Quang (cựu Tổng giám đốc VEAM) bị phạt 8 năm tù, Vũ Từ Công (cựu Kế toán trưởng VEAM) 6 năm tù, Đào Quốc Việt (cựu Giám đốc Vetranco - công ty con của VEAM) 13 năm tù.
12 bị cáo còn lại bị đề nghị từ 24 tháng tù treo đến 16 năm tù. Riêng bị cáo Nguyễn Văn Khôi (cựu Trưởng ban kiểm soát, thành viên HĐTV VEAM) lĩnh 30 tháng tù treo về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Trong 17 bị cáo của vụ án, 6 người lĩnh án tù treo. Ảnh: N.T. |
HĐXX kết luận trong các năm 2011-2013, Vũ Từ Công đã tham mưu để ông Lâm Chí Quang ký 4 chứng thư bảo lãnh thanh toán cho Vetranco (công ty trực thuộc VEAM) vay ngân hàng 193 tỷ đồng. Sau đó, Vetranco không trả được nợ nên VEAM phải chi tiền ra để trả nợ.
Năm 2015, ông Trần Ngọc Hà với chức danh Tổng giám đốc VEAM đã tự ý quyết định hợp tác với Công ty T-King (Trung Quốc) về kế hoạch phát triển ôtô tay lái bên phải để xuất khẩu sang Srilanka. Quá trình hợp tác, ông Hà đã cho đối tác tạm ứng 400.000 USD mà không được HĐTV VEAM phê duyệt.
Tiếp đó, năm 2016, khi dự án đầu tư sản xuất máy kéo 4 bánh hạng trung của VEAM chưa được Bộ Công Thương chấp thuận, ông Trần Ngọc Hà tiếp tục ký hợp đồng cung cấp Li-xăng với Công ty ISEKI (Nhật Bản) và thanh toán 2,5 triệu USD cho đối tác. Sau đó, khoản tiền này mất khả năng thu hồi. Để xảy ra những sai phạm trên, nhóm bị cáo tại VEAM và Vetranco đã đồng phạm, giúp sức cho ông Trần Ngọc Hà thực hiện hành vi.
Như vậy, HĐXX cấp sơ thẩm kết luận các bị cáo đã gây thiệt hại cho VEAM gần 380 tỷ đồng. Trong đó, bị cáo Trần Ngọc Hà liên đới gây thất thoát gần 130 tỷ đồng.
HĐXX nhận thấy trong vụ án này, hành vi của các bị cáo với từng vai trò vị trí khác nhau đã gây thất thoát lớn cho ngân sách Nhà nước. Các bị cáo đồng phạm giản đơn, tiếp nhận ý chí thực hiện hành vi phạm tội với từng mức độ khác nhau.
Trong đó, ông Trần Ngọc Hà giữ vai trò chính, cùng đồng phạm nhiều lần thực hiện hành vi, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Quá trình tố tụng và xét xử, HĐXX nhận thấy ông Hà và đồng phạm đã khai báo thành khẩn, có nhân thân tốt. Tất cả đều phạm tội lần đầu, nhiều bị cáo được ghi nhận thành tích khi còn công tác. Đây là những tình tiết để xem xét giảm nhẹ hình phạt.
Về trách nhiệm dân sự, tòa buộc ông Trần Ngọc Hà liên đới bồi thường gần 52 tỷ đồng trong tổng số tiền các bị cáo gây thiệt hại cho VEAM. Ngoài ra, Vetranco có trách nhiệm hoàn trả cho VEAM hơn 137 tỷ đồng.
Theo VKS, giai đoạn 2011-2013, một số cán bộ VEAM bảo lãnh thanh toán cho Vetranco vay 193 tỷ đồng tại 3 ngân hàng. Sau đó, Vetranco không trả được nợ khiến VEAM thiệt hại gần 76 tỷ. Ông Hà là Chủ tịch HĐTV VEAM, biết việc bảo lãnh trái quy định nhưng vẫn tạo điều kiện cho cấp dưới thực hiện.
Năm 2015, ông Hà tự ý quyết định hợp tác với Công ty T-King (Trung Quốc) rồi tạm ứng cho đối tác 400.000 USD để đầu tư phát triển ôtô tay lái bên phải nhưng không có Nghị quyết của HĐTV VEAM, không nằm trong kế hoạch sản xuất kinh doanh đã được phê duyệt của VEAM. Thương vụ này bất thành khiến VEAM thiệt hại thêm 9 tỷ đồng.
Đến năm 2016, dự án máy kéo 4 bánh của VEAM chưa được Bộ Công Thương cho triển khai nhưng ông Trần Ngọc Hà vẫn ký hợp đồng với Công ty ISEKI (Nhật Bản). Sau đó, VEAM thanh toán 2,5 triệu USD nhưng không có căn cứ thu hồi, gây thiệt hại 56 tỷ đồng.
Theo cơ quan công tố, bị cáo Trần Ngọc Hà có vai trò chính, thực hiện hành vi phạm tội nhiều lần và trực tiếp gây ra thiệt hại hơn 130 tỷ đồng. Tuy nhiên, ông Hà chưa thành khẩn khai báo nên VKS đề nghị áp dụng hình phạt nghiêm khắc.
Ông Hà và các bị cáo khác đều có trình độ và được giao những chức trách quan trọng, quản lý tài sản lớn của Nhà nước. Họ ý thức được nhiệm vụ của mình nhưng vẫn thiếu trách nhiệm, để xảy ra sai phạm. VKS đánh giá hành vi của các bị cáo làm thất thoát nghiêm trọng cho tài sản của Nhà nước với số tiền trên 380 tỷ đồng, gây tác hại nặng nề với kinh tế và ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động cũng như các cổ đông.