7h45 ngày 10/4, đoàn xe đặc chủng chở bị cáo Châu Thị Thu Nga (cựu Chủ tịch HĐQT Housing Group) cùng 8 đồng phạm đến trụ sở TAND Cấp cao tại Hà Nội. Phiên tòa phải mở ra do 9 bị cáo có đơn kháng án bản án sơ thẩm.
Lần thứ 2 hầu tòa, bị cáo Châu Thị Thu Nga có 6 luật sư bào chữa. Ngoài ra, 10 luật sư khác tham gia bào chữa cho 8 bị cáo còn lại.
Suốt buổi sáng, chủ tọa Nguyễn Văn Sơn lần lượt kiểm tra thủ tục khai báo đối với 9 bị cáo và gần 200 cá nhân, đơn vị có quyền và nghĩa vụ liên quan. Tòa phúc thẩm ghi nhận trong số 100 bị hại của vụ án, chỉ có một nửa số người có mặt.
Đơn kháng cáo gần 100 trang
Theo đơn kháng cáo của bị cáo Nga, cáo trạng của VKSND Tối cao truy tố bà cùng 9 đồng phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, có nhiều bất cập và sai sự thật.
Trong quá trình xét xử sơ thẩm, bà đã trình bày nhiều vấn đề nhưng không được HĐXX xem xét. Bên cạnh đó, nhóm luật sư bào chữa cho bị cáo cũng nêu quan điểm cho rằng VKSND truy tố bà Nga không đúng tội danh.
Bị cáo Thu Nga khai tại tòa sáng 10/4. Ảnh: Hoàng Lam. |
Nội dung đơn kháng cáo của cựu đại biểu Quốc hội cũng cho rằng quá trình điều tra vi phạm luật tố tụng. Trước khi diễn ra phiên tòa phúc thẩm, bà Nga mong HĐXX TAND Cấp cao tại Hà Nội xem xét lại toàn bộ bản án sơ thẩm.
"Tôi đã thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ của Chủ tịch HĐQT chứ không chỉ đạo và không phải là chủ mưu như tòa nêu", bị cáo Châu Thị Thu Nga nêu trong đơn kháng án.
Nói về mức bồi thường dân sự theo bản án sơ thẩm, bà Nga cho hay tòa yêu cầu bà bồi thường 54 tỷ đồng là hoàn toàn không đúng. Nữ bị cáo lý giải, tại tòa sơ thẩm, các khách hàng của Housing Group không yêu cầu rút vốn mà họ chỉ đòi nhà.
Nội dung đơn kháng cáo cũng đề cập quan điểm của cựu Chủ tịch HĐQT Housing Group, cho rằng chủ thể trong vụ án là tập đoàn này chứ không phải bản thân bà Nga.
Bị cáo Châu Thị Thu Nga được cảnh sát dẫn giải đến TAND Cấp cao tại Hà Nội sáng 10/4. Ảnh: Hoàng Lam. |
Bị cáo thay đổi lời khai "chạy" đại biểu Quốc hội
Tại phiên tòa sơ thẩm đầu tháng 10/2017, khi tham gia thẩm vấn các bị cáo, luật sư Hoàng Văn Hướng (bào chữa cho bà Nga) đặt câu hỏi cho thân chủ của mình về khoản tiền 1,5 triệu USD (khoảng 30 tỷ đồng) mà Nga khai đã dùng để "chạy" đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, khi vị luật sư vừa dứt lời thì chủ tọa lập tức lưu ý vì phần này "không nằm trong phạm vi vụ án".
Trong đơn kháng cáo gửi cấp phúc thẩm, bà Nga đã trình bày nội dung này và thay đổi lời khai trước đó.
Theo cựu nữ đại biểu Quốc hội, năm 2007, thông qua quan hệ xã hội, một doanh nhân ở Hà Nội đã ký hợp đồng xây dựng nhà với Housing Group (nơi bà Nga làm Chủ tịch HĐQT). Sau đó, doanh nhân này ứng trước kinh phí cho Housing Group gần 6 tỷ đồng.
Quá trình thi công, Housing Group không đảm bảo được tiến độ theo thỏa thuận nên bên thuê yêu cầu thanh lý hợp đồng. Vị doanh nhân đã đòi công ty của bà Nga hoàn lại hơn 3 tỷ đồng.
Bà Nga trình bày trong đơn kháng cáo, do bị đối tác đòi nợ vào thời điểm bà đang được Cơ quan điều tra Bộ Công an (C46) ghi lời khai về hành vi lừa đảo tại dự án B5 Cầu Diễn, nên bản thân bà mệt mỏi, tinh thần không được ổn định.
Nữ bị cáo 53 tuổi trình bày, bà được cử tri tín nhiệm, bầu là ĐBQH khóa XIII, đại biểu Hội đồng Nhân dân Hà Nội. Bà Nga khẳng định không quen biết ai liên quan đến việc này và phủ nhận đã bỏ tiền để “chạy” đại biểu Quốc hội.
Theo cáo trạng, từ 2009-2013, nguyên đại biểu Quốc hội Châu Thị Thu Nga và các bị cáo được bà ủy quyền đã ký 752 hợp đồng góp vốn trái quy định, thu hơn 377 tỷ đồng của khách hàng với cam kết sẽ bàn giao 752 căn hộ tại dự án B5 Cầu Diễn.
Không có nhà bàn giao, bà Nga đã trả lại hơn gần 29 tỷ đồng cho 43 khách hàng và chiếm đoạt, sử dụng hơn 348 tỷ đồng.
Trong vụ án này, bị cáo Nga được xác định giữ vai trò chủ mưu. 9 bị cáo còn lại đều là nhân viên dưới quyền của Nga, bị cáo buộc có hành vi giúp sức.