Sáng 27/12, phiên tòa xét xử vụ án xảy ra tại Công ty AIC, Bệnh viện Đồng Nai và các đơn vị liên quan sang ngày làm việc thứ 6 với phần nêu quan điểm tranh luận của các luật sư.
Bào chữa cho ông Phan Huy Anh Vũ (cựu giám đốc Bệnh viện Đồng Nai, cựu Giám đốc Sở Y tế tỉnh này), luật sư Giang Hồng Thanh đề nghị HĐXX xem xét cho bị cáo về tội danh Nhận hối lộ và Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo luật sư, nhận hối lộ là hành vi của một người làm trái quy định của pháp luật để được nhận lợi ích từ người hối lộ. Trong vụ án, hành vi trái pháp luật ở đây là về đấu thầu, đã xử lý trong tội Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
"Trong bất cứ một dự án sử dụng vốn đầu tư Nhà nước, thì phải xem xét về tính hiệu quả. Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai là công trình lớn, hiện đại, hiệu quả thì Nhà nước và nhân dân được hưởng", luật sư Giang Hồng Thanh nêu.
Bị cáo Phan Huy Anh Vũ (giữa). Ảnh: TTXVN. |
Luật sư còn phân tích ông Phan Huy Anh Vũ từng là bác sĩ đã cống hiến hơn 30 năm cho ngành y tế Đồng Nai, được ghi nhận giỏi về chuyên môn, từng được phong tặng danh hiệu thầy thuốc Nhân dân. Quá trình tố tụng, hơn 2.000 bệnh nhân đã cùng ký đơn xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo Vũ. Bên cạnh đó, trên 2.000 cán bộ và nhân viên y tế ở Đồng Nai cũng ký đơn xin xem xét giảm nhẹ cho bị cáo này.
Tiếp lời người bào chữa, bị cáo Phan Huy Anh Vũ cho biết năm 2006, Bệnh viện Đồng Nai có quy mô 400 giường. Sau đó, số lượng bệnh nhân ngày một tăng lên, gây quá tải cho bệnh viện.
"Bị cáo thức đêm, lo cho bệnh viện với áp lực là năm 2015 bệnh viện phải đi vào hoạt động", ông Vũ trình bày và cho rằng việc đấu thầu công khai đã diễn ra, cụ thể là ở gói thầu số 7, nhưng khi đấu thầu công khai thì liên tục xảy ra kiện tụng. Hơn một năm chưa xong được một gói thầu, các gói thầu còn lại cũng kiện tụng như thế thì bao giờ bệnh viện mới hoàn thành.
Đề cập việc nhận số tiền 14,8 tỷ đồng từ bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn và Công ty AIC, bị cáo Phan Huy Anh Vũ khai đã dùng số tiền này để chi vào những việc chung của bệnh viện như thuê chuyên gia điều hành các tòa nhà hiện đại, các trang thiết bị thêm như loa gọi bệnh nhân...
"Bị cáo không phải sâu dân mọt nước, khi bệnh viện đi vào hoạt động, bị cáo phát hiện ra toàn bộ khu vực phòng khám chỉ có một cái loa gọi chung, như thế không thể đạt yêu cầu khi bệnh nhân đông. Bị cáo dùng chính số tiền đó để thuê công ty đáp ứng được", ông Vũ lập luận.
Cũng theo cựu giám đốc bệnh viện, nhiều việc cần chi ngoài, nên bị cáo dùng tiền đó để chi phí. Còn số tiền bị cáo nuôi gia đình chủ yếu đến từ phòng mạch mở riêng.
"Bị cáo đứng ở đây chỉ mong quan tòa có cái nhìn công tâm. Một mức án mà trên 10 năm, thì bị cáo không còn gì", ông Phan Huy Anh Vũ bật khóc khi nói tại tòa.
Tại phần đề nghị mức án, VKSND Hà Nội đã đề nghị tòa tuyên phạt ông Phan Huy Anh Vũ 10-11 năm tù về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; 9-10 năm tù về tội Nhận hối lộ. Tổng hợp hình phạt cả 2 tội danh, bị cáo Vũ bị đề nghị 19-21 năm tù.
Bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga. Ảnh: TTXVN. |
Cũng trong phần tranh luận sáng nay, các luật sư bào chữa cho bà Hoàng Thị Thúy Nga (cựu Phó tổng giám đốc AIC) cho biết ngoài vụ án này, bà Nga còn là bị can ở 3 vụ án khác. Người bào chữa cho rằng ở thời điểm đấu thầu, bà Nga giữ vai trò lãnh đạo Ban 1 của AIC, chưa phải phó tổng giám đốc và là người làm công ăn lương. Luật sư nhấn mạnh hiện các lãnh đạo cao nhất của Công ty AIC đã bỏ trốn, nên trách nhiệm còn lại đè nặng lên bà Nga.
Được tham gia tranh luận, bà Hoàng Thị Thúy Nga nói thời điểm thực hiện đấu thầu ở Bệnh viện Đồng Nai, bị cáo chỉ làm việc theo các giấy ủy quyền.
Về mối quan hệ với cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn (đang bỏ trốn), bà Nga trình bày ban đầu họ rất tốt với nhau, nhưng sau đó 2 người có mâu thuẫn. Đó là lý do bà Nga tách ra làm riêng.
Để hiểu hơn về Bộ luật hình sự, trách nhiệm hình sự, 55 cặp tội danh dễ nhầm lẫn trong Bộ luật hình sự hay những quy định về phạt tiền, khiếu nại, tố cáo… mời độc giả của Zing truy cập Tủ sách Pháp luật.