Bị cáo Nguyễn Minh Khải. Ảnh: Dương Trang. |
Ngày 1/12, TAND TP.HCM tiếp tục phiên tòa sơ thẩm xét xử cựu Giám đốc Bệnh viện Mắt TP.HCM Nguyễn Minh Khải (50 tuổi) và 7 đồng phạm liên quan sai phạm thực hiện gói thầu mua sắm thủy tinh thể nhân tạo đơn tiêu tại bệnh viện này hồi năm 2018, gây thiệt hại hơn 14 tỷ đồng.
Bị cáo Nguyễn Minh Khải xin lỗi cha mẹ, đồng nghiệp
Bị cáo Nguyễn Minh Khải tại tòa. Ảnh: N.T. |
Trước khi HĐXX nghị án, nói lời sau cùng, bị cáo Nguyễn Minh Khải gửi lời cảm ơn đến HĐXX và đại diện VKS đã giúp bị cáo hiểu rõ hơn về cái sai và trách nhiệm của mình.
"20 năm qua, bị cáo đã làm rất nhiều chương trình nhân đạo trên cả nước và các nước bạn. Tuy nhiên, vụ việc ngày hôm nay gây ra nỗi thất vọng rất lớn đối với cha mẹ bị cáo. Bị cáo xin gửi lời xin lỗi cha mẹ, xin lỗi các đồng nghiệp", ông Khải nói và mong HĐXX xem xét hình phạt nhẹ nhất cho bản thân ông và thuộc cấp để sớm có cơ hội trở về với gia đình, chăm sóc mẹ già, con nhỏ, tiếp tục phục vụ cho xã hội, ngành y tế.
Trước đó, trong phần tự bào chữa, ông Khải cho rằng bản thân mong muốn mang đến cho bệnh nhân sản phẩm tốt nhất khi điều trị mắt. Tuy nhiên, do thiếu hiểu biết về pháp luật, dẫn đến sai sót.
Ngoài ra, bị cáo Khải cũng trình bày, bị cáo và gia đình đã chủ động khắc phục một phần hậu quả của vụ án. Phần trách nhiệm còn lại của việc tính thiệt hại, nếu HĐXX xác định là bao nhiêu thì bị cáo sẽ tiếp tục thuyết phục gia đình khắc phục thêm. Các bị cáo khác cũng thừa nhận sai phạm và mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt.
"Đánh giá sản phẩm không thể chỉ dựa vào kinh nghiệm"
Các bị cáo bị áp giải đến tòa. Ảnh: Anh Tú. |
Trước đó, đối đáp lại lời bào chữa của luật sư, đại diện VKSND TP.HCM khẳng định trong vụ án này các bị cáo đã sai phạm, vi phạm quy định trong hoạt động đấu thầu. Trong đó, bị cáo Khải có vai trò chủ mưu, chỉ đạo các bị cáo khác loại nhà thầu Codupha trái pháp luật.
Theo kiểm sát viên có những lời khai về việc bị cáo Khải không chỉ đạo trong quá trình đấu thầu là không phù hợp với các tài liệu, chứng cứ có trong vụ án, không phù hợp với diễn biến khách quan của vụ án, nên không có căn cứ sử dụng các lời khai đó. Từ đó, công tố viên bác quan điểm của luật sư cho rằng VKS sử dụng lời khai một chiều.
Ngoài ra, đại diện VKS ghi nhận sự chuyển biến trong nhận thức của bị cáo Khải tại tòa về sai phạm trong hoạt động đấu thầu, bị cáo thấy có trách nhiệm với hậu quả thiệt hại và xin khắc phục.
Về quan điểm bào chữa của luật sư cho rằng bị cáo Khải và các bị cáo trong Hội đồng hàng mẫu đánh giá kỹ thuật theo các tiêu chí đã đặt ra chỉ nhằm lựa chọn sản phẩm tốt nhất cho bệnh nhân, VKS cho rằng đây chỉ là lý do mà các bị cáo nêu ra để biện minh cho hành vi sai phạm của mình.
Theo kiểm sát viên, dựa vào tài liệu và quá trình thẩm vấn công khai tại tòa đều thể hiện, sản phẩm của cả ba nhà thầu là Codupha, Hào Tín và Tâm Hợp đều đáp ứng được kỹ thuật của hồ sơ mời thầu. Việc đánh giá sản phẩm của nhà thầu nào tốt hơn mà các luật sư nêu ra là dựa trên kinh nghiệm của các bác sĩ là nhận định chủ quan, chưa có tài liệu khoa học nào chứng minh.
"Nếu các bị cáo mong muốn lựa chọn sản phẩm tốt nhất cho bệnh nhân, trước hết phải làm đúng quy định pháp luật khi đấu thầu, biến các tiêu chí tốt, sản phẩm tốt thành nội dung, tiêu chí quy định trong hồ sơ mời thầu. Từ đó mới đảm bảo công khai, công bằng, minh bạch, khách quan cho tất cả nhà thầu", công tố viên nói và cho rằng trong vụ án này, các bị cáo đã loại sản phẩm của nhà thầu Codupha bằng những tiêu chí chủ quan của các thành viên xét thầu, không có trong hồ sơ mời thầu là trái quy định pháp luật.
Kiểm sát viên cho rằng các bị cáo không hưởng lợi ích vật chất từ hành vi sai phạm. Trong vụ án này, VKS không áp dụng biện pháp hình phạt bổ sung đối với các bị cáo. Sau khi chấp hành hình phạt, các bị cáo có thể quay lại với công việc của mình.
Để hiểu hơn về Bộ luật hình sự, trách nhiệm hình sự, 55 cặp tội danh dễ nhầm lẫn trong Bộ luật hình sự hay những quy định về phạt tiền, khiếu nại, tố cáo… mời độc giả của Zing truy cập Tủ sách Pháp luật.