Sáng 10/12, TAND Hà Nội xét xử ông Nguyễn Nhật Cảm (cựu Giám đốc CDC Hà Nội) cùng 9 bị cáo khác về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Cáo trạng cáo buộc bị cáo Nguyễn Nhật Cảm với vai trò Giám đốc Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hà Nội đã lợi dụng tình trạng dịch bệnh, vì động cơ vụ lợi đã thỏa thuận, ấn định mức giá gói thầu là 9,54 tỷ đồng trước khi chỉ định thầu. So với giá trị thực của thiết bị, việc nâng giá của ông Cảm và đồng phạm đã gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 5 tỷ đồng.
Bị cáo Nguyễn Nhật Cảm. Ảnh: Hải Nam. |
Trả lời thẩm vấn, cựu giám đốc CDC Hà Nội khai khoảng cuối tháng 1, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, yêu cầu CDC Hà Nội phải khẩn trương đề xuất các thiết bị phòng, chống dịch.
"Thời điểm đó, CDC Hà Nội đã tích cực tìm kiếm thiết bị nhưng đến đầu tháng 2 vẫn chưa tìm ra máy móc cũng như nơi cung cấp", ông Cảm nói do áp lực về việc phải sớm đề xuất thiết bị phòng, chống dịch nên bị cáo tự ý chọn thầu dù biết vi phạm quy định pháp luật.
"Bị cáo nhận toàn bộ trách nhiệm", cựu giám đốc CDC Hà Nội nói.
Kể lại quá trình tìm mua thiết bị xét nghiệm Covid-19, ông Cảm cho biết đã nhờ bị cáo Nguyễn Ngọc Nhất (nhân viên Công ty TNHH phát triển khoa học Vitech) giới thiệu các mẫu máy.
"Nhất chào hàng tôi 3 mẫu máy và bị cáo chọn loại xuất xứ từ Ý. Nhưng sau khi kiểm tra, bị cáo nhận thấy loại máy này tốn quá nhiều thời gian để đồng bộ nên không duyệt", cựu giám đốc CDC Hà Nội khai.
Sau đó, ông Cảm liên hệ với bị cáo Nguyễn Thanh Tuyền (nhân viên Công ty TNHH thiết bị y tế Phương Đông) khi biết công ty này có hệ thống máy xét nghiệm đáp ứng yêu cầu phòng dịch. Nhưng sau buổi gặp đó, ông Cảm cho biết Công ty thiết bị y tế Phương Đông từ chối bán máy cho CDC Hà Nội mà không rõ lý do.
"Bị cáo chưa từng nghe đến việc ăn chia tiền", bị cáo Nguyễn Nhật Cảm khai trước tòa.
Bị cáo Nguyễn Ngọc Nhất. Ảnh: Hải Nam. |
Còn Nguyễn Ngọc Nhất phản bác kết luận của cơ quan tố tụng về việc bị cáo thỏa thuận chi cho ông Cảm 15% giá trị gói thầu. Ngoài ra, Nhất cũng cho rằng anh ta không bàn bạc nâng giá thiết bị xét nghiệm.
Nhất khai sau khi CDC Hà Nội từ chối mua thiết bị mà anh ta chào hàng, bị cáo đã hẹn gặp riêng Tuyền.
"Bị cáo thống nhất với Tuyền sẽ bán hệ thống xét nghiệm Realtime PCR tự động cho CDC Hà Nội với giá 7 tỷ. Để đúng quy định, bị cáo thuê pháp nhân của Công ty vật tư khoa học và thương mại Việt Nam - MST và bị cáo Đào Thế Vinh (Giám đốc Công ty MST) đại diện để đấu thầu", Nhất nói.
Chiều nay, HĐXX tiếp tục xét hỏi các bị cáo liên quan vụ án.
Theo cáo trạng, máy xét nghiệm khi nhập về Việt Nam có giá hơn 2 tỷ đồng. Nhưng các bị can đã thống nhất nâng giá nhập khẩu, sau đó mua bán lòng vòng để CDC Hà Nội mua với giá cao gấp nhiều lần.
VKS xác định các thiết bị y tế được mua với giá tổng cộng hơn 4 tỷ, nhưng các bị can đã nâng khống lên trên 9 tỷ, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 5 tỷ.