Sáng 23/1, phiên tòa đại án Trầm Bê – Phạm Công Danh tiếp tục ngày xét xử thứ 12 với phần tranh luận của luật sư về quan điểm luận tội của VKS.
Chưa từng có tiền lệ tăng vốn 'thần tốc'
Luật sư Phan Đức Linh bào chữa cho bị cáo Mai Hữu Khương (nguyên thành viên HĐQT, nguyên Giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn) cho rằng mức án 11-13 năm tù mà mà VKS đề nghị cho thân chủ của ông là quá nghiêm khắc. Luật sư cũng cũng xin xem xét cấn trừ thiệt hại từ tiền tăng vốn điều lệ như bị cáo Danh hay bị cáo Mai đã trình bày.
Bị cáo Mai Hữu Khương. Ảnh: Tùng Tin. |
Trong phần bào chữa bổ sung, liên quan đến chuyện tăng vốn điều lệ, Mai Hữu Khương cho rằng phải làm rõ được việc tăng thêm 4.500 tỷ đồng, ông Phạm Công Danh được và mất gì. Theo bị cáo Khương, nếu không tăng vốn ngân hàng sẽ phá sản. Nhưng nếu phải tăng lên 4.500 tỷ, ông Danh không thể xoay xở nổi.
“Ông Danh nhiều lần xin giãn tiến độ tăng vốn điều lệ. Đơn giản vì tiền đâu ra? Ngoài một số ngân hàng quốc doanh lớn, chưa từng có ngân hàng nào tăng vốn điều lệ một mạch từ 3.000 lên 7.500 tỷ đồng cả. Tình thế đó bắt buộc ông Danh phải làm sai. Làm sai để cứu ngân hàng”, Mai Hữu Khương nói.
Về người sở hữu khoản tiền 4.500 tỷ đồng, bị cáo Khương khẳng định ông Phạm Công Danh vẫn là người sở hữu. "Tiền này là tiền của ông Danh, không thể bàn cãi”, bị cáo Khương nói. Nếu được chấp thuận tăng vốn, Ngân hàng Xây dựng được quyền dùng số tiền này, ông Danh được sở hữu cổ phiếu. Tuy nhiên, khi NHNN không cho tăng vốn, 4.500 tỷ vẫn thuộc sở hữu của ông Danh.
Ngân hàng CB không thiệt hại như cáo trạng truy tố
Luật sư Giang Hồng Thanh (bào chữa cho bị cáo Phan Thành Mai, nguyên Tổng giám đốc VNCB) tập trung làm rõ bối cảnh dẫn đến hành vi phạm tội của bị cáo Mai.
Luật sư cho rằng bị cáo Mai chỉ là người làm công ăn lương, không lường trước được hậu quả. Từng giữ chức Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Phan Thành Mai cũng được biết đến là người đã đưa ra kiến nghị cần phải có các chính sách hỗ trợ thị trường BĐS như giảm lãi suất, phát triển nhà xã hội, hỗ trợ các dự án BĐS dở dang,... trong bối cảnh thị trường BĐS ở vào năm 2013 rất khó khăn.
Qua đó, luật sư Thanh cho rằng nếu nói Mai cố ý làm trái để tư lợi cho cá nhân thì thật khó tin.
Bị cáo Phan Thành Mai. Ảnh: Hải An. |
Luật sư Nguyễn Thị Thanh Tâm cũng cho rằng phải làm rõ bối cảnh Ngân hàng Đại Tín khó khăn lúc đó thì mới thấy được sự nỗ lực của Phan Thành Mai.
Luật sư Tâm nói số tiền gửi hơn 1.800 tỷ của VNCB được BIDV tất toán trả lại nên CB hiện tại không bị thiệt hại phần này như cáo trạng truy tố. Luật sư cũng chỉ ra trong quá trình điều tra cho đến tại phiên tòa, Mai đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội, đại diện VKS cũng ghi nhận phần này nên hi vọng HĐXX xem xét tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo.
Trong phần tự bào chữa của mình, bị cáo Phan Thành Mai cũng phản bác lại cách tính thiệt hại của Ngân hàng CB. Bị cáo Mai cho rằng đến thời điểm bị cáo bị bắt (7/2014), tiền mặt trong ngân hàng xây dựng vẫn còn dư. “4.500 tỷ đồng là cực kỳ quan trọng với bị cáo, không thể mất được. Nếu NHNN không chấp thuận tăng vốn thì nó phải quay ngược trở về vào tài khoản của 22 cá nhân góp vốn”, Mai nói.