Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cựu lãnh đạo đường sắt bị đề nghị 13 năm tù

Trước lời khai của bị cáo Bằng, chủ tọa gắt: "Người ta bay vạn cây số sang Việt Nam đầu tư, có ai ném tiền cho các bị cáo muốn tiêu gì thì tiêu không?".

Chiều 26/10, phiên tòa xét xử 6 bị cáo trong vụ án Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Quản lý các Dự án đường sắt (viết tắt là RPMU) thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam tiếp tục phần thẩm vấn.

Buổi chiều, các luật sư bắt đầu tham gia xét hỏi bị cáo. Trả lời luật sư bào chữa, Phạm Hải Bằng – cựu phó giám đốc RPMU khẳng định không “sách nhiễu” JTC để hỗ trợ tiền.  

Đối chiếu với các văn bản được giao nhiệm vụ, bị cáo này khai nhận không làm trái các quy định của pháp luật. Cựu phó giám đốc cũng thừa nhận bên JTC không yêu cầu ban quản lý báo cáo toàn bộ hoạt động thu chi 11 tỷ đồng

Giải thích lý do không đề nghị JTC đến tòa để đối chất, Bằng khai nhận do hiểu biết pháp luật hạn chế. 

Tiếp tục “đỡ lời” cho sếp cũ, bị cáo Bằng thừa nhận những lần chi trả khoản tiền 11 tỷ đồng, Trần Văn Lục đã chuyển công tác.

Ở phần tranh luận, một số luật sư đề nghị trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhằm xác định thiệt hại. Ảnh: CTV.

Luật sư Nguyễn Thị Hằng Nga – Đoàn luật sư Hà Nội đặt vấn đề: “Ai là nguyên đơn dân sự trong vụ án?”. Bị cáo Trần Văn Lục – nguyên giám đốc RPMU khẳng định phía thiệt hại là JTC song họ không có đơn xử lý về việc cầm khoản tiền trên.

Trước khi bước vào phần thẩm vấn, HĐXX quay lại xét hỏi bị cáo Bằng. Chủ tọa hỏi: “Buổi sáng, bị cáo khai nhận sử dụng tiền là do JTC hỗ trợ. Trả lời các luật sư, bị cáo lại nói đó là tiền được quy định trong hợp đồng, bị cáo chỉ làm động tác chi hộ? Vậy câu trả lời nào là đúng?”. Cựu phó giám đốc RPMU tiếp tục quanh co, biện bạch là do phía tư vấn nhờ ban quản lý chi phí hộ hội họp. HĐXX hỏi tiếp: “Khoản tiền đó có được quyết toán không?”, Bằng thừa nhận không.

Vị chủ tọa gắt: “Người ta bay vạn cây số sang Việt Nam đầu tư, có ai ném tiền cho các bị cáo muốn tiêu gì thì tiêu không? người ta có điên không?”.

HĐXX cũng công bố nhiều lời khai trong quá trình điều tra, bị cáo Bằng kê ra rất nhiều mục, có mục “chi tiêu cá nhân của tôi”, bồi dưỡng cho ban quản lý, phục vụ mua máy tính, di chuyển phòng... Cựu phó giám đốc RPMU thừa nhận những khoản trên không có trong điều khoản hợp đồng.

Lúc hơn 15h, đại diện VKSND nêu quan điểm xử lý vụ án. Người giữ quyền công tố tại tòa khẳng định hành vi của các bị cáo làm đình trệ các dự án nay chưa thống kê được thiệt hại, gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế, ảnh hưởng đến chính sách ODA của Nhật Bản với Việt Nam.

Phân loại vai trò, VKSND xác định bị cáo Bằng giữ vai trò chính trong vụ án. Ngoài đề nghị mức án, VKSND cũng đề nghị kê biên tài sản của bị cáo Bằng, Thái, Duy để phục vụ công tác thi hành án.

Đề nghị mức án:

- Phạm Hải Bằng (49 tuổi, cựu phó giám đốc RPMU): 11 – 13 năm tù.

- Nguyễn Nam Thái (38 tuổi, cựu trưởng phòng thực hiện Dự án 3 thuộc RPMU): 10 – 12 năm tù.

- Phạm Quang Duy (40 tuổi, cựu phó giám đốc RPMU): 8 – 12 năm tù.

- Trần Văn Lục (57 tuổi): 6 – 8 năm tù.

- Trần Quốc Đông (51 tuổi): 7 – 9 năm tù.

- Nguyễn Văn Hiếu (53 tuổi): 7 – 9 năm tù.

Vụ nhận 11 tỷ đồng lót tay: 'Chỉ để hỗ trợ ban dự án'

Phủ nhận cáo buộc nhận 11 tỷ đồng lót tay, cựu phó giám đốc cho rằng trước khi ký hợp đồng, hai bên nêu khó khăn, phía JTC chủ động hỗ trợ ban dự án.

Đỗ Mến

Bạn có thể quan tâm