Sau phẫu thuật, người bệnh hồi phục gần như hoàn toàn nhưng vẫn chưa thể nói chuyện bình thường. Ảnh: Linh Thùy. |
Thông tin được bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Đỗ Nhân, khoa Ngoại Tim mạch lồng ngực, Bệnh viện Thống Nhất, chia sẻ sáng 24/7.
Trước đó, trong khi ngồi nhậu, người đàn ông 39 tuổi (quận 12, TP.HCCM) bị bạn đâm xuyên cổ từ sau gáy. Sau khi bị đâm, nạn nhân đi vài bước loạng choạng rồi bất tỉnh, được đưa vào một bệnh viện sơ cứu rồi chuyển vào Bệnh viện Thống Nhất.
Người bệnh nhập viện trong trạng thái hôn mê sâu, đồng tử co nhỏ, huyết áp không đo được, mất tri giác, được xác định gần như tử vong. Ngay lập tức, bệnh viện kích hoạt báo động đỏ, hội chẩn toàn viện và quyết định phẫu thuật cấp cứu cho bệnh nhân.
Trong ca mổ, ê-kíp phát hiện nạn nhân bị đâm từ cổ sau ra trước, rách 90% động mạch cảnh kèm huyết khối lan tỏa lòng mạch; đứt rời cực trên tuyến giáp, động mạch giáp trên; xước chạm khí quản sụn nhẫn. Tổn thương gây tụ máu diện rộng vùng cổ, chèn ép khí quản, máu chảy tràn xuống trung thất tim.
Vì tính chất nguy hiểm của vết thương, các bác sĩ quyết định bỏ qua phương pháp mổ kinh điển. Thay vào đó, ê-kíp lựa chọn mổ đường trước, ngay bao cảnh và khí quản, tập trung bảo vệ động mạch cảnh để hạn chế tổn thương não.
Ca phẫu thuật kéo dài gần 5 giờ. Bệnh nhân hồi tỉnh, có thể tự thở khí trời, ngồi dậy chủ động, thực hiện đúng các y lệnh sau một giờ mổ. Sau mổ 9 ngày, bệnh nhân đã phục hồi tri giác 99%. Tuy nhiên, vì tổn thương cổ nặng, bệnh nhân vẫn chưa thể nói bình thường.
Bác sĩ Nhân cảnh báo thời gian gần đây xảy ra rất nhiều vụ ẩu đả dẫn tới tổn thương ở cổ. Đây là vị trí đặc biệt nhạy cảm, không có thành bảo vệ dày nhưng lại chứa nhiều cơ quan quan trọng. Tổn thương ở cổ có thời gian tử vong rất nhanh, tỷ lệ cao ngang tổn thương tim. Nếu được cứu sống, bệnh nhân vẫn có thể gặp di chứng nặng nề do huyết khối trôi lên não.
Khi gặp trường hợp tổn thương cổ, mọi người cần cột garo, băng ép cầm máu và đưa nạn nhân vào bệnh viện càng sớm càng tốt để hạn chế ảnh hưởng xấu tới não nhiều nhất có thể.
Học cách già đi
Bước vào tuổi xế chiều, nhiều người cảm thấy hụt hẫng. Họ không còn công việc để làm, mất đi sự năng động vốn có và trở nên tự ti. Về già, hãy học cách yêu cuộc đời một lần nữa.
Trong cuốn sách Khoa học tâm thức, Carl Jung mổ xẻ một số lĩnh vực quan trọng và gây tranh cãi nhất trong tâm lý học phân tích: Phân tích giấc mơ, vô thức nguyên thủy và mối quan hệ giữa tâm lý học và tôn giáo. Ông cũng xem xét những khác biệt giữa lý thuyết của mình và của Freud, cung cấp kiến thức về các nguyên tắc cơ bản của phân tâm học.