Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng thanh xà beng đâm xuyên thành bụng. Ảnh: BVCC. |
Trong lúc đang cầm xà beng để gỡ cốt pha trên giàn giáo cao khoảng 2 mét, ông N.V.B. (61 tuổi, trú tại xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hoá) bất ngờ gặp nạn do giàn giáo sập.
Ông B. ngã xuống nền cứng và bị thanh xà beng sắt đang dùng để gỡ cốt pha đâm xuyên thành bụng. Ngay lập tức, người thân đã đưa ông tới bệnh viện gần nhà để sơ cứu và sau đó chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa.
Tại Trung tâm Cấp cứu, các bác sĩ đã nhanh chóng thăm khám, làm các chỉ định cận lâm sàng đưa ra chẩn đoán ban đầu bệnh nhân có vết thương xuyên thấu thành bụng, vỡ cánh chậu phải và chấn thương sọ não.
Ngay lập tức, 5 chuyên khoa liên quan gồm các bác sĩ khoa Ngoại tổng hợp 2, khoa Gây mê hồi sức, khoa Ngoại Tiết niệu, khoa Phẫu thuật Thần kinh – Lồng ngực, khoa Chấn thương được mời hội chẩn và tham gia phẫu thuật cấp cứu cho bệnh nhân.
Các bác sĩ tiến hành mở ổ bụng, kiểm tra các tạng, hệ tiết niệu của bệnh nhân không có tổn thương, lần theo dị vật dọc phúc mạc thành sau, dị vật đâm xuyên thủng làm vỡ cánh chậu phải.
Sau đó, các bác sĩ tiến hành rút dị vật ra khỏi thành bụng của bệnh nhân, đặt dẫn lưu vị trí tổn thương xương cánh chậu, dẫn lưu qua vết thương, xử lý vết thương sọ não cùng lúc. Sau 90 phút phẫu thuật căng thẳng, các bác sĩ đã rút được chiếc xà beng ra khỏi cơ thể bệnh nhân B. an toàn.
Bác sĩ thăm khám, kiểm tra tình trạng sức khỏe bệnh nhân sau 3 ngày phẫu thuật. Ảnh: BVCC. |
Sau mổ, bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo, huyết động ổn định, rút ống nội khí quản, tự thở tốt ngay ngày thứ 2. Hiện tại, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân tiến triển rất tốt và dự kiến sẽ được xuất viện trong vài ngày tới.
Bác sĩ chuyên khoa II Mai Thế Long, Phó trưởng khoa Ngoại tổng hợp 2, Trưởng kíp phẫu thuật và điều trị cho bệnh nhân, thanh xà beng xuyên thủng thành bụng nhưng rất may mắn không làm tổn thương các mạch máu, các cơ quan nội tạng của bệnh nhân.
Để đảm bảo an toàn người bệnh, đặc biệt là khi rút thanh xà beng, áp lực sẽ khiến bệnh nhân mất máu nhiều, vì vậy, kíp mổ đã chuẩn bị sẵn sàng phương án truyền máu bổ sung liên tục, đảm bảo nguy cơ rủi ro trước, trong và sau ca phẫu thuật.
"Thật vui mừng vì ca phẫu thuật đã thành công ngoài mong đợi, người bệnh được kịp thời cứu sống mà không có bất cứ biến chứng gì. Ca phẫu thuật thành công nhờ bệnh nhân được đưa đến cấp cứu kịp thời, ê-kíp các bác sĩ xử lý nhanh chóng và sự phối hợp nhịp nhàng của cùng lúc 5 chuyên khoa trong ca mổ", bác sĩ Long vui mừng nói.
Bác sĩ Mai Thế Long khuyến cáo người dân khi tham gia lao động cần trang bị các trang thiết bị bảo hộ, kiểm tra kỹ lưỡng các điều kiện an toàn lao động và phải nắm vững các kiến thức về an toàn lao động để đảm bảo an toàn cho bản thân, tránh các trường hợp tai nạn rủi ro không mong muốn xảy ra.
Cuốn sách bên bờ sự sống
Ngành y là ngành luôn chứng kiến ranh giới sự sống - cái chết của người khác, nhưng Khi hơi thở hóa thinh không lại là một cuốn sách đặc biệt khi nó là khoảnh khắc đối diện cái chết của người viết trong cả vai trò bác sĩ lẫn bệnh nhân. Cuốn hồi ký được bác sĩ thần kinh Paul Kalanithi viết khi căn bệnh ung thư trở nặng, anh ngồi trên xe lăn và nhớ về những tháng ngày cống hiến cho ngành y.