Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bé trai 6 tuổi phải lọc máu nghi ngộ độc bánh mì ở Đồng Nai

Sau khi hội chẩn, các bác sĩ 2 bệnh viện thống nhất chuyển viện đến TP.HCM cho bệnh nhi nặng nhất trong vụ nghi ngộ độc bánh mì tập thể tại Đồng Nai.

Đoàn công tác Bộ Y tế và các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cùng lãnh đạo Sở Y tế Đồng Nai thăm bệnh nhi bị ngộ độc thực phẩm nặng tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai. Ảnh: CDC Đồng Nai.

Trưa 4/5, PGS.TS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết em T.G.H., 6 tuổi, đã chuyển từ Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai lên để tiếp tục điều trị.

Đây là ca nặng nhất trong vụ ngộ độc ở Đồng Nai. Bé H. nhập viện trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở và sốc nhiễm trùng nặng. Các bác sĩ đã hội chẩn, tiến hành lọc máu để cố gắng kiểm soát tình trạng nhiễm trùng, bệnh nhi vẫn đang trong tình trạng đang rất nguy kịch.

Theo bác sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, dù tình trạng đã cải thiện so với lúc nhập viện, bệnh nhi vẫn đang nặng và phải lọc máu nhiều chu kỳ để lọc độc chất.

Theo PGS Phạm Văn Quang, ngoài điều trị chống sốc, truyền dịch, vận mạch, lọc máu để loại bỏ các độc tố, bệnh nhi đã được lọc máu hấp phụ bằng quả lọc đặc biệt để loại bỏ độc tố và các chất không tốt. Các bác sĩ chẩn đoán, bệnh nhi bị sốc nhiễm trùng do nhiễm trùng huyết từ đường tiêu hóa, nghi ngộ độc thực phẩm.

"Tác nhân gây ngộ độc chính xác phải đợi kết quả phân lập vi sinh của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, những trường hợp nặng như vậy thường do 2 tác nhân chính là tụ cầu hoặc Salmonella", bác sĩ Quang cho biết.

Các bác sĩ đang nỗ lực kiểm tra, đánh giá lại tình trạng của bệnh nhi và hội chẩn giải pháp cứu chữa.

Như vậy, tại Bệnh viện Nhi đồng 1 đang điều trị cho 2 bệnh nhi. Ngoài bé H. còn có bệnh nhi 13 tuổi, hiện sinh hiệu ổn, tỉnh táo, hết sốt.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó trưởng khoa Tiêu hoá, cho biết vừa qua khoa này đã tiếp nhận và tích cực điều trị cho bé trai P.H.M, 14 tuổi.

Cháu bé nhập viện vì sốt, tiêu chảy khoảng 3 ngày với triệu chứng sốt, đau bụng, tiêu chảy phân lỏng xanh. Kết quả xét nghiệm có tình trạng nhiễm trùng.

Bé được bác sĩ chẩn đoán nhiễm trùng đường ruột do vi khuẩn và được tích cực điều trị kháng sinh và các thuốc hỗ trợ. Hiện sau 2 ngày điều trị, bệnh nhi hết sốt, các triệu chứng đều thuyên giảm.

Theo báo cáo của các đơn vị gửi về UBND TP Long Khánh, Đồng Nai, tính đến sáng nay, tổng số nạn nhân liên quan món bánh mì ở TP Long Khánh là 555 người.

Đây được xem là vụ nghi ngộ độc tập thể lớn với hàng trăm người liên quan. Sự việc bắt đầu ngày 1/5 khi có khoảng 70 người có biểu hiện nghi ngộ độc thực phẩm nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh sau khi ăn bánh mì ngày 30/4. Thời gian ủ bệnh trung bình của các bệnh nhân 4-8 giờ. Triệu chứng chủ yếu là tiêu chảy, nôn ói.

Sau khi kiểm tra, cơ quan chức năng ghi nhận tiệm bánh mì không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Nguyên liệu thực phẩm được chế biến và bán tại nhà. Theo đại diện cơ sở này, trong ngày 30/4, tiệm đã bán khoảng 1.000 ổ bánh mì thịt.

Tuổi trẻ vô định và dễ sa ngã

Cuốn tiểu thuyết gần như không có cốt truyện, mà chỉ như một lát cắt, một trường đoạn, một montage về tuổi trẻ lạc lối, điên cuồng và gần như man dã. Qua hoạt cảnh u tối và bạo liệt ấy, Ryu Murakami khắc họa nỗi lòng của một lớp thanh niên Nhật Bản một thời: vô định và dễ sa ngã.

Đã có 555 người nhập viện nghi ngộ độc bánh mì tại Đồng Nai

Theo số liệu cập nhật sáng 4/5, số người nhập viện nghi ngộ độc sau ăn bánh mì tại TP Long Khánh, tỉnh Đồng Nai, đã tăng lên 555, trong đó có 11 ca chuyển viện.

Nguyễn Thuận

Bạn có thể quan tâm