Hàng trăm người có triệu chứng nghi ngộ độc thực phẩm sau khi ăn món bánh mì được bán trên địa bàn TP Long Khánh. Ảnh minh họa: Unsplash. |
Trao đổi với Tri thức - Znews, ông Tăng Quốc Lập, Phó chủ tịch UBND TP Long Khánh, Đồng Nai, cho biết, theo báo cáo của các đơn vị tính đến 7h45 ngày 4/5, tổng số nạn nhân liên quan món bánh mì ở TP Long Khánh là 555 người.
Cụ thể, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh ghi nhận 503 ca với các triệu chứng đau bụng, tiêu chảy, sốt đến khám tại bệnh viện, trong đó có 109 trẻ em, 11 ca chuyển viện đến Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai và Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai; 35 ca xuất viện, 105 ca khám ngoại trú và cấp toa thuốc về. Hiện tại có 352 ca còn lại đang được điều trị tại các khoa của bệnh viện.
Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai hiện có 13 ca được điều trị (9 ca chuyển viện từ Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh, 3 ca người nhà tự đưa đến khám và điều trị). Hiện tại có 6 ca được điều trị tại khoa Hồi sức tích cực - chống độc (2 trường hợp đang thở máy tiên lượng rất nặng) khả năng sẽ chuyển viện.
Trường hợp bệnh nặng là T.G.H. (6 tuổi, ngụ phường Xuân Hòa, TP Long Khánh, tỉnh Đồng Nai). Chẩn đoán hiện tại: Ngưng tim, ngưng thở/ sốc nhiễm trùng từ đường tiêu hóa/ béo phì.
Bệnh nhân đến khám do biểu hiện nghi ngộ độc sau khi ăn bánh mì tại Đồng Nai. Ảnh: BVCC. |
Ngoài ra, 4 trường hợp khác tiên lượng nặng, 4 ca đang được điều trị tại khoa Tiêu hóa và 3 ca đang được điều trị tại khoa Tổng hợp, tiên lượng khá.
Một số trường hợp khác đến khám, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Bệnh viện Đa khoa Công ty cao su Đồng Nai, Phòng khám Đa khoa Ái Nghĩa, Trung tâm Y tế huyện Thống Nhất.
Ngoài ra, một trẻ 13 tuổi cũng được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) với được chẩn đoán viêm ruột - tiêu chảy cấp có mất nước nghi vi trùng - nhiễm trùng đường tiêu hóa.
Trước vụ ngộ độc với số lượng nạn nhân rất lớn, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), đã ký văn bản gửi Sở Y tế tỉnh Đồng Nai và các bệnh viện trên địa bàn về công tác cấp cứu, điều trị những người nghi ngộ độc sau khi ăn bánh mì.
Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế Đồng Nai tiếp tục tập trung, huy động các thầy thuốc giỏi, bảo đảm đủ thuốc, phương tiện cấp cứu, xử trí, cứu chữa kịp thời người bệnh.
Đặc biệt, lãnh đạo Cục đề nghị theo dõi chặt chẽ người bệnh nặng và có nguy cơ tăng nặng, đặc biệt là các ca đang điều trị hồi sức tích cực, đồng thời quan tâm chăm sóc sức khỏe, động viên người bệnh và gia đình.
Sự việc xảy ra sáng 1/5 sau khi có khoảng 70 người nhập viện tại Bệnh viện Đa khu vực Long Khánh sau khi ăn bánh mì ngày 30/4.
Cơ quan chức năng của thành phố Long Khánh sau đó đã xuống cơ sở bánh mì Cô Băng (khu phố 2, phường Xuân Bình, TP Long Khánh) - nơi các bệnh nhân đã mua bánh mì ăn trước đó. Tiệm bánh mì này bán bánh mì thịt, bao gồm: bánh mì, pate tự làm, phục vụ khoảng 1.000 ổ bánh mì thịt/ngày.
Bác sĩ là một công việc bận rộn, nhiều áp lực song không ít "thiên thần áo trắng" làm việc tại bệnh viện vẫn dành tình yêu cho sách, cho việc sáng tác những tác phẩm của riêng mình.
Từ những kiến thức y khoa được chia sẻ một cách dễ hiểu, gần gũi, cung cấp kiến thức chăm sóc sức khỏe uy tín cho độc giả đến những câu chuyện đời, chuyện nghề tự mình chứng kiến và trải nghiệm, nhiều bác sĩ đã tạo nên những cuốn sách giàu giá trị, được đánh giá cao.