Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cựu phó chủ tịch mặt trận huyện kêu oan

Ngân hàng không yêu cầu nhà chức trách điều tra khách hàng nhưng ông Phán (ở Sóc Trăng) bị công an khởi tố đến hai hành vi và tòa kết án lừa đảo.

Sáng 29/5, TAND tỉnh Sóc Trăng xác nhận, nơi đây đã có thông báo gửi VKS cùng cấp về việc kháng cáo kêu oan của ông Ngô Văn Phán - nguyên Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Kế Sách. Hơn một tháng trước, TAND tỉnh Sóc Trăng tuyên bị cáo 58 tuổi này 2 năm tù tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo hồ sơ tố tụng, ông Phán có mối quan hệ rộng nên được nhiều người dân đưa giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) để nhờ vay tiền. Sau khi vay, ông Phán được cho là chậm đưa tiền cho 4 hộ nên bị họ tố cáo.

Quá trình điều tra, nhà chức trách cho rằng từ năm 2006, người em "cọc chèo" của ông Phán là Huỳnh Thế Hùng đưa sổ đỏ để nhờ người anh vay 420 triệu đồng. Tuy nhiên, khi được giải ngân, ông Phán chỉ đưa ông Hùng 240 triệu.

lua dao chiem doat tai san anh 1

Ông Phán cho rằng mình bị kết án oan. Ảnh: Việt Tường.

Theo cáo trạng lần đầu (tháng 4/2014), từ năm 2009-2012, ông Phán tự nâng số tiền vay cao hơn mức thỏa thuận với người dân để có thêm tiền trả nợ của cá nhân. Trong 13 trường hợp như vậy có đất của Hùng, ông Phán vay 480 triệu đồng nhưng chỉ đưa cho chủ đất 190 triệu, chiếm đoạt 290 triệu đồng.

Dựa vào những chứng cứ như trên, tháng 2/2014, Công an Sóc Trăng khởi tố ông Phán thêm tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Tháng 8/2014, ông Phán ra tòa với hai cáo buộc Lừa đảo và Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản nhưng HĐXX trả hồ sơ để điều tra lại vì không đủ chứng cứ buộc tội bị cáo. Sau đó, Công an Sóc Trăng đình chỉ vụ án Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản nhưng phục hồi điều tra tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với ông Phán.

Giữa tháng 1/2016, VKSND tỉnh Sóc Trăng ra cáo trạng mới, cáo buộc ông Phán chiếm đoạt của Co-op Bank 1,43 tỷ đồng chứ không phải chiếm đoạt của người dân.

"Tôi bị bắt và lĩnh án oan, rất cần được cấp phúc thẩm trả lại sự trong sạch. 26 năm là Đảng viên, tôi chưa từng bị kỷ luật điều gì và có nhiều bằng khen của các ngành, các cấp. Là cán bộ mà bị mang tiếng oan là lừa đảo thì quá nhục", ông Phán nói.

Tại phiên xử hồi cuối tháng 3/2016, một số hộ dân khai rằng, họ có nhờ ông Phán vay tiền. Chỉ có 3 hộ không nhận đủ tiền như giao kết với bị cáo và trong đó có một trường hợp đã tất toán với ngân hàng (được giải chấp).

Từ đó, đại diện VKS rút một phần truy tố bị cáo. Số tiền Viện cáo buộc ông Phán lừa đảo từ 1,43 tỷ đồng được giảm xuống còn 291 triệu đồng (chưa trừ hợp đồng đã tất toán). Tất cả các trường hợp vay vốn liên quan đến 4 hộ từng kiện ông Phán và của ông Hùng không còn được kiểm sát viên nhắc đến.

Ngày 5/4, TAND tỉnh Sóc Trăng tuyên ông Phán 2 năm tù vì tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo HĐXX, do bị cáo giả chữ ký trong thủ tục vay vốn liên quan đến hộ dân Lê Văn Mót và Bùi Văn Bé nên hợp đồng của hai người này là vô hiệu. Vì vậy, hai ông Mót và Bé có trách nhiệm trả cho ông Phán 156,5 triệu đồng (vốn và lãi). Ngược lại, bị cáo có trách nhiệm trả cho Co-op Bank 156,5 triệu đồng và Co-op Bank trả lại hai số đỏ cho ông Mót, Bé.

"Cùng một số tiền mà HĐXX tuyên lòng vòng. 156,5 triệu đồng mà HĐXX buộc Bé và Mót trả cho tôi thực chất là tiền hai hộ này nợ ngân hàng. Do HĐXX cho rằng hợp đồng vô hiệu nên mới buộc tôi trả. Tại tòa, Bé và Mót thừa nhận số tiền đó họ nợ ngân hàng và hai hộ này sẽ trả nên tôi hoàn toàn không lừa đảo Co-op Bank", ông Phán khẳng định.

Cùng kháng cáo bản án sơ thẩm như ông Phán, Co-op Bank Sóc Trăng cho rằng, họ chưa hề có đơn nào đến tòa án để yêu cầu ông Phán phải trả số tiền vay. Từ đó, ngân hàng khẳng định họ chỉ có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chứ không phải nguyên đơn dân sự và càng không phải là bị hại trong vụ án.

Cựu Phó chủ tịch mặt trận huyện lĩnh án vì lừa đảo

Ông Phán được cho là lợi dụng sự dễ dãi của cán bộ ngân hàng để giả chữ ký của nông dân, thế chấp giấy tờ đất của họ nhằm vay tiền.



Việt Tường

Bạn có thể quan tâm