Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hai thanh niên từng bị Công an Bình Chánh bắt kêu oan

Anh Sỹ cho rằng mình ra đường gọi bạn đang hóng mát vào xưởng làm việc, nhưng không hiểu sao lại bị Công an huyện Bình Chánh cáo buộc Cướp tài sản. Tại tòa, anh này kêu oan.

Vụ việc xảy ra đêm 5/12/2012, hai thanh niên liên quan từng bị TAND huyện Bình Chánh tuyên 1 năm, 7 tháng, 9 ngày tù (bằng thời gian bị tạm giam) là Trần Văn Uống (27 tuổi) và Khưu Khánh Sỹ (34 tuổi).

Người thứ ba là Ong Văn Sệt (25 tuổi) đang bị Công an Bình Chánh tạm giam từ ngày 11/2/2015.

Vướng nợ nần khi bị công an bắt

Ông Trần Văn Huỳnh (cha của Uống, ngụ xã Hòa Đông, thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng) kể rằng, cuối năm 2011, người đàn ông 51 tuổi và con trai, các cháu cùng xóm lên TP HCM làm công nhân cho nhà máy sản xuất thức ăn gia súc đóng ở xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh.

Họ nói mình đều là dân nghèo, nuôi tôm nhiều năm bị lỗ nên rời miền Tây để tìm kế sinh nhai.

Bi cong an Binh Chanh bat anh 1
Uống (phải) và Sỹ tại tòa tháng 7/2014. Ảnh: Khắc Thành.

Đêm 5/2/2012, Uống, Sỹ, Sệt và đồng nghiệp Trần Văn Đen cùng nhậu tại nơi làm việc. Lúc ông Huỳnh chưa vào ca trực nên Uống có mời cha uống lon bia.

"Tôi đang nằm nghỉ ở trong thì bên ngoài xôn xao. Chạy ra cổng, tôi nghe quản lý xưởng nói Uống và Sỹ bị công an bắt. Sáng hôm sau, tôi đến công an xã thì thấy mặt con sưng nhiều. Sau đó, hai đứa bị đưa lên công an huyện", ông Huỳnh nhớ lại.

Trao đổi với phóng viên Zing.vn về sự việc, Uống kể đêm đó có cùng với Sệt và Đen ra ngoài đường hóng mát, đi vệ sinh sau khi uống bia tại xưởng sản xuất. Một lúc sau, Sỹ ra để gọi bạn vào cùng giúp sức cho ra lò mẻ thức ăn mới thì thấy một đám người khá đông chạy xe máy vụt qua.

"Sợ mấy người đó đụng mình nên tụi tôi né vào sát lề đường. Vậy mà sau đó, có người đến bắt lên công an xã vì tưởng chúng tôi là ăn cướp. Tại đây, công an kêu ghi theo tấm giấy họ viết sẵn rồi cho về, nhưng sau đó tôi không được thả mà còn bị đánh bằng cây ba trắc vào tay, chân" - anh Uống nói.

Bi cong an Binh Chanh bat anh 2

Uống về quê bắt cua kiếm sống sau khi được TAND huyện Bình Chánh (TP HCM) tuyên trả tự do vì mức án bằng với số ngày anh bị tạm giam. Ảnh nhân vật cung cấp.

Cùng bị bắt với Uống, Sỹ kể anh bị công an xã còng tay treo chân để đánh, buộc thanh niên này nhận tội Cướp tài sản.

"Công an kêu em ký vào biên bản. Em ký mà không đọc nội dung. Ký xong, công an đọc lại, em phản ứng vì nội dung sai sự thật. Công an đã dụ em" - Sỹ tỏ ra bức xúc.

"Vài tháng trước cán bộ điều tra xuống xã và kêu tôi lên nhận cáo trạng mới nhưng tôi không nhận vì mình không có tội. Tôi chỉ muốn cuộc sống yên ổn, đừng ai làm phiền nữa để tôi làm thuê kiếm tiền trả nợ", Sỹ chia sẻ.

Hay tin chồng bị bắt, vợ Sỹ gửi hai con nhỏ cho người thân để lên TP HCM giúp việc nhà, kiếm tiền thăm nuôi chồng. Ở nhà, con của chị này thiếu sữa, gia đình phải bán đất, vay mượn tiền nhiều người để nuôi các bé.

"Cha mất nên em là lao động chính trong nhà. Sau khi em bị bắt vô cớ, kinh tế gia đình ở quê gặp nhiều khó khăn, vướng nợ nần rất nhiều. Tháng trước, TAND huyện Bình Chánh triệu tập để xét xử lại nhưng em không đi được vì ông chủ nơi em làm thuê không cho ra ngoài", Sỹ chia sẻ.

Các bị can là những thanh niên hiền lành

Ngày 29/4, phóng viên đến xã Hòa Đông, thị xã Vĩnh Châu để tìm Uống và Sỹ. Ông Huỳnh cho biết, Uống đã đi TP HCM làm thuê từ sau Tết Nguyên đán Bính Thân. Còn Sỹ đang làm thuê ở một vuông tôm, nhưng chủ không cho ra ngoài tiếp xúc người lạ.

"Sau khi được trả tự do tại tòa vào ngày 15/7/2014, em xin việc ở nhiều nơi nhưng làm được một thời gian, chủ cho nghỉ vì thường bị các cơ quan tố tụng triệu tập. Bây giờ em không dám ra ngoài vì sợ chủ đuổi lần nữa. Em mong mình được giải oan để yên ổn làm ăn, có tiền trả nợ", Sỹ nói qua điện thoại.

Bi cong an Binh Chanh bat anh 3
Ông Huỳnh kể lại đêm con trai bị bắt. Ảnh: Việt Tường.

Cách nhà Sỹ một cây cầu ngang sông, căn nhà nhỏ của ông Huỳnh treo nhiều giấy khen. Đó là phần thưởng mà người anh ruột của Uống được tặng, sau những năm làm cán bộ văn hóa xã Hòa Đông.

Ông nội của thanh niên này là người có công, được Chủ tịch nước tặng Huân chương kháng chiến hạng Nhất, nên Uống được coi là thành phần gia đình có truyền thống cách mạng. 

"Không riêng gì Uống mà Sệt và Sỹ là những thanh niên hiền lành, chịu khó làm ăn, chấp hành tốt các chính sách pháp luật của địa phương. Hay tin các em bị bắt, cả xóm giật mình, gia đình tụi nó chưa bao giờ có ai đi trộm, cướp", ông Khưu Văn Khải - Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng ban nhân dân ấp Trà Teo (xã Hòa Đông) nói.

Bốn năm qua, lần nào cơ quan tố tụng triệu tập Uống, cha anh kể cũng bỏ vuông tôm ở quê để chạy xe máy lên TP HCM làm phụ hồ kiếm tiền, phụ đưa con trai tới giải quyết công việc.

"Đêm nào tôi cũng khóc vì con vô tội nhưng vướng lao lý. Cha tôi nói, nếu Uống có tội thì phải nhận, còn vô tội là nhất quyết kháng cáo, kêu oan. Chính vì nó bị bắt mà gia đình vợ xem thường dẫn đến hôn nhân đổ vỡ. Con của Uống theo mẹ, không được gần gũi cha", ông Huỳnh chia sẻ.

Đối với Sệt, ban đầu cơ quan tố tụng ở Bình Chánh cho rằng thanh niên này không phạm tội. Tuy nhiên, khi TAND TP HCM hủy án sơ thẩm, quá trình điều tra lại, Sệt bị bắt về hành vi Không tố giác tội phạm. Sau đó, Công an huyện Bình Chánh thay đổi quyết định khởi tố, chuyển Sệt sang hành vi Cướp tài sản - với vai trò đồng phạm của Uống.

Bi cong an Binh Chanh bat anh 4
Theo cáo trạng, vật chứng là 2 khúc tầm vong mà Uống và Đen sử dụng đến nay chưa thu hồi được. Ảnh: Việt Tường.

Cuối năm 2015, cha Sệt qua đời vì ngạt dưới sông nhưng không ai cho thanh niên này biết, do sợ anh buồn rồi làm chuyện dại dột trong nhà giam. Hiện anh em của Sệt đã đi làm ăn xa vì nghèo khó, chỉ có bà mẹ già ở nhà lo hương khói cho người chồng quá cố.

"Con tôi nói bị bắt oan. Đi ra ngoài xưởng để hóng mát với mấy anh em mà bị bắt vì người ta nói nó đi ăn cướp là tội cho Sệt. Nó mang tội oan khiến xóm làng dị nghị, sống khổ lắm", người mẹ nói.

Theo cáo trạng của VKSND huyện Bình Chánh (lần hai), 22h30 ngày 5/12/2012, trong lúc nhậu Uống rủ Sỹ, Sệt và Đen ra đường Trần Đại Nghĩa chặn xe để xin tiền mua bia nhậu tiếp. Đen và Sỹ đồng ý, Sệt không nói gì nhưng đi theo.

Ra khỏi cổng cơ sở mà họ làm việc, Uống và Đen nhặt một khúc tầm vông 60-65 cm, rồi bốn người đi về hướng khu công nghiệp Lê Minh Xuân. Một lúc sau Đen đi qua bên kia đường.

Đi thêm một đoạn, cả nhóm thấy anh Phan Thanh Quyền chạy xe máy chở một phụ nữ. Uống được cho là cầm cây tầm vông tiến ra đường, giơ cây định đánh nhưng anh Quyền phát hiện, quay đầu xe chạy ngược lại. Uống ném khúc cây về phía anh Quyền nhưng không trúng, nạn nhân đến chốt dân phòng khu công nghiệp trình báo.

Uống và Sỹ sau đó bị bắt, công an xã lập biên bản bắt người phạm tội quả tang.

Tháng 7/2014, TAND huyện Bình Chánh tuyên Uống, Sỹ 1 năm, 7 tháng, 9 ngày tù vì tội Cướp tài sản.

TAND TP HCM xử phúc thẩm vụ án tháng 12/2014. Tại đây, Sỹ kháng cáo, kêu oan nên tòa tuyên hủy toàn bộ án sơ thẩm để điều tra lại. Sau đó, Công an huyện Bình Chánh bắt thêm Sệt.

Ngày 17/3, TAND huyện Bình Chánh đưa vụ án ra xét xử (lần 2) nhưng đã hoãn vì vắng Sỹ và bị hại Quyền.

Thêm một vụ án bất thường ở Bình Chánh

Ngoài vụ cà phê Xin Chào, Công an và VKSND huyện Bình Chánh từng xử lý hình sự vụ được cho là cướp, một cách bất thường, đến nay vụ án chưa thể khép lại.

Bốn lần xử mới xong vụ án 'cướp xe máy không thành'

Mặc dù bản án còn nhiều mâu thuẫn nhưng HĐXX vẫn tuyên bố Uống và Sỹ phạm tội, nhưng xét 2 người có thân nhân tốt nên đã tuyên án bằng thời hạn tạm giam.

 




Việt Tường

Bạn có thể quan tâm