Chiều 8/3, TAND TP Hà Nội cách ly ông Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) và Trịnh Xuân Thanh (Tổng giám đốc, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam) để xét hỏi các bị cáo liên quan sai phạm tại dự án Ethanol Phú Thọ.
Chỉ định thầu vì sức ép từ tập đoàn
Theo cáo buộc, ông Đinh La Thăng và bà Trần Thị Bình (Phó tổng giám đốc PVN, Phó trưởng ban chỉ đạo triển khai các dự án nhiên liệu sinh học) biết liên danh PVC/Alfa Laval/Dealta-T không đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện gói thầu TK05 dự án Ethanol Phú Thọ nhưng vẫn chủ trì các cuộc họp để kết luận, chỉ đạo Công ty cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học (PVB) và Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) hoàn thành thủ tục chỉ định thầu.
Hành vi làm trái quy định này khiến dự án phải dừng thi công năm 2013, gây thiệt hại cho PVB số tiền 543 tỷ đồng.
Ông Đinh La Thăng và các bị cáo tại phiên xử ngày 8/3. Ảnh: TTXVN. |
Khai trước tòa, bị cáo Vũ Thanh Hà (ủy viên HĐQT, Tổng giám đốc PVB) khai dự án Ethanol Phú Thọ ban đầu triển khai theo hình thức đấu thầu rộng rãi nhưng không nhà thầu nào đạt được các tiêu chí đề ra. PVC đã gửi văn bản đề nghị được chỉ định thầu và hạ thấp tiêu chí nhưng bị cáo từ chối.
Theo lời khai, sau đó, ông Hà nhận được chỉ đạo bằng văn bản của lãnh đạo PVN trong đó có ông Đinh La Thăng và Phó tổng giám đốc bà Trần Thị Bình. Trước các chỉ đạo sát sao từ tập đoàn, PVB quyết định chỉ định thầu cho liên danh PVC/Alfa Laval/Dealta-T.
Khi tổ thẩm định nhận xét liên danh PVC/Alfa Laval/Dealta-T không đạt một số tiêu chí về giá, năng lực và kinh nghiệm, bị cáo Vũ Thanh Hà đã có công văn báo cáo PVN và Tổng công ty Dầu Việt Nam.
HĐQT PVB cũng yêu cầu báo cáo năng lực liên danh nhưng trước đó, ông Đinh La Thăng đã chỉ đạo phải phê duyệt chỉ định thầu. “Bị cáo ký dưới sức ép chỉ đạo của tập đoàn. Bị cáo có trách nhiệm một phần…”, ông Hà khai và mong HĐXX xem xét con số thiệt hại và lý do dự án phải dừng lại.
"Chống lại chủ trương, đồng nghĩa nghỉ việc"
Bị cáo Lê Thanh Thái (Trưởng phòng kinh doanh PVB, Tổ trưởng tổ thẩm định hồ sơ) khai ban đầu không ai nghĩ liên danh PVC/Alfa Laval/Dealta-T không đủ năng lực vì nhà thầu nước ngoài từng thực hiện dự án tương tự. Đến năm 2013, khi dự án dừng lại, bị cáo mới biết nhà thầu không đủ năng lực.
Về việc chỉ định thầu, ông Thái khai được Tổng giám đốc PVB giao nhiệm vụ hoàn thành hồ sơ để PVC được chỉ định thầu.
Bị cáo Thái thừa nhận việc thẩm định có thiếu sót vì liên danh chưa đáp ứng điều kiện từng xây lắp nhà máy nhiên liệu sinh học có công suất 100 triệu lít/năm. Tuy nhiên, do không thể chống lại chủ trương của Tập đoàn Dầu khí và Ban chỉ đạo triển khai các dự án nhiên liệu sinh học, bị cáo không đề cập trong hồ sơ việc liên danh không đủ năng lực.
Bị truy vấn về lý do loại bỏ tiêu chí đánh giá nhà thầu, ông Thái nói: “Quá trình thẩm định, tôi bổ sung yêu cầu đó vào thì đồng nghĩa tôi nghỉ việc luôn”.
Bị cáo Trần Thị Bình. Ảnh: TTXVN. |
Dành nhiều thời gian để phân trần, cựu Phó tổng giám đốc PVN Trần Thị Bình khai bà chỉ ký văn bản đề nghị xem xét năng lực và căn cứ nhu cầu thực tế chỉ định thầu đối với liên danh PVC/Alfa Laval/Dealta-T theo quy định. Theo bà Bình, văn bản này mang tính định hướng, không phải chỉ đạo.
Quá trình đấu thầu, một lần, bà Bình biết hồ sơ đề xuất của PVC có một số yêu cầu về kỹ thuật không đạt, giá cao. Theo lời khai, bị cáo khi đó đánh giá PVC không nghiêm túc, không thể nhận gói thầu.
Về cáo buộc biết liên danh PVC/Alfa Laval/Dealta-T không đủ năng lực, kinh nghiệm nhưng vẫn chỉ định thầu, bà Bình cho rằng bị cáo không được giao quản lý PVOil. Quá trình làm việc, các ban chuyên môn báo cáo PVC chuyên xây lắp, liên kết với doanh nghiệp công nghệ nước ngoài nên cựu Phó tổng giám đốc PVN nghĩ liên danh này có thể thực hiện dự án.
Bị cáo Trần Thị Bình cho rằng sau 3 lần không nghe chỉ đạo của ông Thăng, bà đã ký văn bản yêu cầu PVC ra nghị quyết tự nguyện nhận gói thầu vì nghĩ việc này “không chết ai, chỉ là nhắc nhở công ty con”.
"Tôi chỉ đôn đốc tiến độ"
Cuối phiên xử chiều 8/3, ông Đinh La Thăng (Trưởng ban chỉ đạo triển khai các dự án nhiên liệu sinh học) được đưa từ nơi cách ly vào phòng xử. Ông Thăng khẳng định không chỉ đạo triển khai gói thầu TK05 dự án Ethanol Phú Thọ vì đó là trách nhiệm của chủ đầu tư dự án.
Cựu chủ tịch PVN xác nhận ngày 7/5/2009 đã chủ trì cuộc họp nghe các đơn vị liên quan báo cáo việc triển khai nhà máy Ethanol Phú Thọ. Theo ông Thăng, cho đến khi cuộc họp diễn ra, PVB không báo cáo về năng lực của liên danh PVC/Alfa Laval/Dealta-T. Tại cuộc họp đó, ban chỉ đạo chỉ đôn đốc về mặt tiến độ. Chủ đầu tư có toàn quyền quyết định các vấn đề của dự án và chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Về việc một số bị cáo và người liên quan khai rằng tại cuộc họp, Tổng giám đốc PVB Vũ Thanh Hà đã báo cáo năng lực của PVC, ông Đinh La Thăng nói “các đơn vị thành viên của tập đoàn chỉ giới thiệu PVC tham gia dự án, không giới thiệu liên danh nhà thầu. Cho nên trách nhiệm đánh giá năng lực nhà thầu là chủ đầu tư. PVN không có bất kỳ văn bản nào giới thiệu hoặc ra nghị quyết phải giao dự án đó cho liên danh nhà thầu”.
Bị cáo Đinh La Thăng trả lời HĐXX. Ảnh: TTXVN. |
Theo ông Thăng, ban chỉ đạo triển khai các dự án nhiên liệu sinh học không làm thay trách nhiệm của chủ đầu tư. Chủ đầu tư có toàn quyền quyết định mọi việc của dự án.
Tại sao bị cáo lại có ý kiến đề nghị HĐQT của PVC nhận giá dự án là 59 triệu USD? Trả lời HĐXX, ông Đinh La Thăng nói bị cáo không bắt buộc. Nếu PVC không đáp ứng các điều kiện và giá gói thầu thì chủ đầu tư đàm phán với nhà thầu khác.
Bị cáo có chỉ đạo nào buộc PVB và PVC phải ký hợp đồng với nhau không? Ông Thăng một lần nữa trả lời không đưa ra yêu cầu bắt buộc, mà chỉ đề ra tiến độ.
Chủ tọa sau đó đã yêu cầu bị cáo Vũ Thanh Hà lên đối chất. Ông Hà tái khẳng định đã báo cáo bằng văn bản về năng lực PVC và nhắc lại tại cuộc họp ngày 7/5/2009.
Ông Đinh La Thăng sau đó tiếp tục nói bị cáo đã yêu cầu PVB có báo cáo gửi tại cuộc họp nhưng đơn vị này không làm. Sau này, cơ quan điều tra cho xem thì ông Thăng biết PVB có văn bản báo cáo Phó tổng giám đốc PVN Trần Thị Bình.
Trịnh Xuân Thanh khi được xét hỏi đã thừa nhận khi tham gia dự án, PVC có một số tiêu chí chưa đạt nên bị cáo ký công văn xin thay đổi một số tiêu chí.
Về vốn đầu tư dự án, bị cáo tính toán gói thầu có giá trị khoảng 80-85 triệu USD. Và nếu không có chỉ đạo của Tập đoàn Dầu khí thì PVC không nhận chỉ định thầu với giá hơn 59 triệu USD.