Chiều 6/6, HĐXX TAND Hà Nội xét hỏi các bị cáo Phạm Dũng (62 tuổi, cựu Chủ tịch HĐTV Cienco 1), Cấn Hồng Lai (68 tuổi, cựu Tổng giám đốc Cienco 1) và 5 người khác trong vụ tự ý xóa 184 tỷ đồng nợ khó đòi là tài sản công và để ngoài sổ sách 4 khu đất, xảy ra tại đơn vị này.
Cáo trạng nêu Cienco 1 ban đầu thuộc Bộ Giao thông vận tải, đến năm 2013 có chủ trương cổ phần hóa. Sau đó, Bộ GTVT thành lập Ban chỉ đạo cổ phần hóa, do ông Phạm Dũng làm trưởng ban, ông Cấn Hồng Lai làm phó ban thường trực.
Ông Cấn Hồng Lai. Ảnh: H.L. |
Tháng 6/2014, khi cổ phần hóa thành công, Cienco 1 đăng ký kinh doanh mới thể hiện vốn điều lệ doanh nghiệp này là 700 tỷ đồng, gồm 35% vốn Nhà nước. Cuối năm đó, Bộ GTVT thoái toàn bộ 35% vốn này. Giai đoạn 2010-2013, các bị cáo xác định 50 công ty còn nợ Cienco 1 tổng số tiền 364 tỷ đồng. Trong đó, 184 tỷ đồng là khoản nợ khó thu hồi, nên họ tự quyết định xóa nợ dù đây là tài sản công.
Sau khi cổ phần hóa, ông Lai và đồng phạm tại Cienco 1 công ty cổ phần đòi được 65 tỷ đồng trong số 184 tỷ đồng, nhưng không bàn giao tiền cho Nhà nước theo quy định.
Khai tại tòa, ông Lai thừa nhận cáo trạng truy tố "cơ bản là đúng". Bị cáo nói để xảy ra sai phạm là do bản thân có lỗi, ông là tổng giám đốc nên có một phần trách nhiệm.
HĐXX nêu rõ ông Lai có hành vi tham gia ký tờ trình (không đánh số) rồi trình lên HĐTV Cienco 1 trong quá trình doanh nghiệp cổ phần hóa. Khai trước tòa, bị cáo thừa nhận không đọc kỹ hồ sơ sau khi Lê Văn Long (cựu Kế toán trưởng Cienco 1) đưa trước khi trình lên HĐTV.
Nói về lý do tờ trình không đóng dấu nhưng vẫn ký, ông Lai thừa nhận sai sót, nhưng cho rằng đó là do Phòng kế toán đưa lên. Bị cáo còn giãi bày ông ta không hiểu về tài chính kế toán, nên chỉ ký vào tờ trình để đưa HĐTV xem xét xử lý.
Ngoài ra, ông Lai khi được HĐXX đề nghị làm rõ có hay không sự khác nhau của 2 thuật ngữ “nợ khó đòi” có trong tờ trình và “không có khả năng thu hồi”, bị cáo ban đầu cho rằng 184 tỷ đồng là khoản nợ "không có khả năng thu hồi" và 2 khái niệm này giống nhau. Trong khi đó, VKS xác định 184 tỷ đồng phải được tính vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa, nhưng ông Lai và các bị cáo không thực hiện đúng quy định.
Ông Phạm Dũng. Ảnh: H.L. |
Còn bị cáo Phạm Dũng khi HĐXX xét hỏi, cũng thừa nhận trách nhiệm do "không đọc kỹ văn bản" mà cấp dưới đưa lên. Theo ông Dũng, bản thân không nắm rõ một số nội dung, nên dẫn đến sai phạm. Tuy nhiên, HĐXX phản bác và cho rằng bị cáo biết và cố ý, nên để xảy ra lỗi.
Ông Dũng còn khai ở thời điểm cổ phần hóa doanh nghiệp, bị cáo là chủ tịch HĐTV của đơn vị, việc xử lý tài chính do hội đồng xử lý nợ thực hiện, ông ta không thuộc bộ phận chuyên môn này. Bị cáo cũng cho biết bản thân nghĩ "nợ khó đòi" và "nợ không thể thu hồi" là 2 khái niệm này giống nhau.
Ngày mai (7/6), phiên tòa tiếp tục phần xét hỏi.
Để hiểu hơn về Bộ luật hình sự, trách nhiệm hình sự, 55 cặp tội danh dễ nhầm lẫn trong Bộ luật hình sự hay những quy định về xử phạt hành chính, khiếu nại, tố cáo… mời độc giả của Zing truy cập Tủ sách Pháp luật.
Bên cạnh đó, bạn đọc cũng có thể tìm hiểu các quy định về thuế thu nhập cá nhân, quy định về các khoản thưởng không phải chịu thuế hoặc Luật cư trú, Luật hộ tịch và các điều cần biết khác…