Sau khi tốt nghiệp THPT chuyên ĐH Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), Trần Việt Hưng bắt đầu đời sinh viên của mình tại ngôi trường Cambridge danh giá của nước Anh và sau đó giành học bổng sang Mỹ "làm" thạc sĩ.
Sau 10 năm du học, anh trở về nước với tấm bằng thạc sĩ của Đại học Stanford, Mỹ và một danh sách những chứng chỉ cao cấp. Chàng trai 8X khi đó đã nghĩ tới một công việc lương cao trong các công ty nước ngoài tại Việt Nam.
Sau đó, Trần Việt Hưng trở thành phó giám đốc của một ngân hàng và Giám đốc Tài chính Công ty Dịch vụ nền Di động Việt Nam. Tới giữa năm 2015, Hưng quyết định chuyển từ tài chính sang lĩnh vực khác: Giáo dục.
Trần Việt Hưng (trái). |
Sau một thời gian quan sát các trung tâm đào tạo chứng chỉ quốc tế, 8X nhận thấy có những chứng chỉ mà đại học Mỹ, Anh rất coi trọng nhưng chưa được phổ biến ở Việt Nam.
"Cách đây 10 năm, thời tôi du học, IELTS 7.0 đã là thành tích tốt, đủ điều kiện đầu vào đại học nước ngoài. Nhưng hiện tại yêu cầu của các trường được nâng cao. Bên cạnh khả năng ngoại ngữ, học sinh, sinh viên cần thêm nhiều chứng chỉ quốc tế để tối ưu hóa cơ hội xin học bổng", Việt Hưng chia sẻ.
Từ thực tế đó, chàng trai này quyết định trở thành thầy giáo dạy thi chuẩn hóa quốc tế. Anh giảng dạy tất cả các loại bài thi từ lĩnh vực tài chính (CFA) tới tiếng Anh (TOEFL); từ chuẩn bị cho đại học (ACT/SAT/SAT 2) tới trước khi lên cao học (GRE/GMAT); và gồm cả chuẩn hóa Anh (A-level) lẫn chuẩn hóa Mỹ (Advanced Placement – AP).
Những chứng chỉ giúp sinh viên giành học bổng
Trải nghiệm tại 2 nền giáo dục hàng đầu là Anh và Mỹ, Trần Việt Hưng nhận thấy, các chứng chỉ cơ bản như SAT 1, TOEFL hay IELTS hiện trở nên phổ biến và không còn đủ tạo ra sức nặng cho hồ sơ xin học bổng. Đặc biệt, những đại học top đầu của Anh và Mỹ rất coi trọng những chứng chỉ khác như SAT 2, AP, ACT…
Theo tìm hiểu của cựu du học sinh này, các khóa học AP (Advanced Placement) hiện được tổ chức ở hơn 100 quốc gia trên thế giới. Hơn 600 trường đại học ở hơn 60 nước đã công nhận chứng chỉ AP trong quá trình tuyển chọn đầu vào. Tại Trung Quốc, năm 2013, AP được đưa vào giảng dạy tại hơn 180 trường học, với tổng cộng 10.247 học sinh tham gia và 37.151 bài thi. Còn ở Ấn Độ, năm 2013, có 2,2 triệu sinh viên tham gia khóa học AP, với 4 triệu bài thi.
Nghiên cứu của College Board cho thấy, 85% các trường đại học, cao đẳng ở Mỹ ưu tiên nhận sinh viên từng học AP và 31% các trường ưu tiên AP trong việc cấp học bổng. Vì vậy, nếu như SAT chứng minh được kiến thức phổ thông của bạn, thì AP lại cho biết bạn có khả năng thích ứng với môi trường đại học như thế nào.
Bên cạnh đó, nếu hoàn thành 3 - 4 môn AP ở trung học và đạt kết quả tốt, sinh viên sẽ được miễn giảm số tín chỉ tương đương với một học kỳ năm thứ nhất tại hầu hết đại học ở Mỹ.
Còn đối với ACT, thạc sĩ này cho rằng, đây là chứng chỉ tương đương SAT, nhưng số người học đang tăng mạnh. Các câu hỏi trong kỳ thi ACT thường theo xu hướng đơn giản, có thêm phần thi khoa học (Science) và được đánh giá là bài kiểm tra toàn cảnh hơn so với SAT.
Tuy nhiên, trên thực tế, các chứng chỉ quốc tế như ACT, AP, SAT 2 vẫn chưa thực sự phổ biến ở Việt Nam, dù được nhiều học sinh biết đến. Đó chính là lý do Trần Việt Hưng trở về và quyết định khởi nghiệp với công việc giảng dạy chứng chỉ quốc tế.
Bảng thành tích của Trần Việt Hưng:
- Đạt điểm tối đa cho 17/27 bài thi A-level, 800/800 SAT Critical Reading, 800/800 SAT Math 1C & Math 2C & Physics, 36/36 ACT Math & Science, và 800/800 GRE Quantitative.
- Cử nhân Kinh tế, Đại học Cambridge, Anh.
- Học bổng toàn phần chương trình thạc sĩ Chính sách Quốc tế, Đại học Stanford, Mỹ.
- Đỗ tất cả các kỳ thi cho chứng chỉ CFA (phân tích tài chính) và FRM (quản trị rủi ro).
- Có 6 năm kinh nghiệm giảng dạy các kỳ thi chuẩn hóa như CFA, GRE, GMAT, SAT, SAT 2, ACT, AP và A-level.
|