Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cứu sống bệnh nhân hôn mê, liệt chi do tiểu đường

Đây là lần đầu tiên Bệnh viện Nội tiết trung ương gặp ca bệnh nặng như vậy và đã cấp cứu thành công, bởi 90% bệnh nhân hôn mê, tăng áp lực thẩm thấu máu do tiểu đường đều tử vong.

Ngày 6/11, TS Trần Thị Thanh Hóa, phó giám đốc Bệnh viện Nội tiết trung ương, cho biết bệnh viện đã cứu sống bệnh nhân Đ.V.T. (55 tuổi, ở Sơn La) bị liệt hai chi, hôn mê do tiểu đường kèm tăng áp lực thẩm thấu máu. Theo TS Hóa, bệnh nhân T. vào viện ngày 26/10 trong tình trạng hôn mê, huyết áp tụt, da khô, môi se do mất nước, hai chân liệt.

Theo gia đình, bệnh nhân sức khỏe bình thường nhưng trước khi vào viện một tháng bắt đầu có biểu hiện tiểu nhiều, sút cân nhanh (sút 12 kg/tháng), uống nước nhiều…, nhưng do là người dân tộc thiểu số ở vùng sâu nên bệnh nhân không đi khám bệnh.

Đến ngày 24/10, bệnh nhân đột ngột mệt nhiều, đi tiểu rất nhiều lần trong đêm nên gia đình đưa đến bệnh viện huyện cấp cứu. Tại đây, bác sĩ phát hiện bệnh nhân mắc tiểu đường, đã tiêm insulin nhưng bệnh nhân đột ngột hôn mê và phải chuyển lên tuyến trên.

Bác sĩ Phạm Như Quỳnh - khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện Nội tiết trung ương - cho biết xét nghiệm xác định chỉ số đường huyết của bệnh nhân lên đến 51 mmol/l, cao gần gấp 10 lần chỉ số tương tự ở người bình thường.

Bệnh nhân cũng không được truyền nước ở tuyến dưới do huyết áp tăng cao, thầy thuốc tuyến dưới không dám truyền nước nên bệnh nhân có dấu hiệu mất nước. Hàm lượng natri cũng tăng cao đến 184, là mức lần đầu tiên bác sĩ Quỳnh gặp trong năm năm làm việc tại đây.

Trong quá trình điều trị, bệnh nhân còn có dấu hiệu tiêu cơ vân không rõ nguyên nhân, rối loạn đông - cầm máu…

18 giờ sau khi vào viện, được truyền dịch và điều trị tích cực, bệnh nhân đã tỉnh. Trong quá trình điều trị, các bác sĩ đã hạ hàm lượng natri xuống từ từ, đồng thời truyền vitamin tương tự chứng viêm đa rễ thần kinh để bệnh nhân đi lại được.

Sau 10 ngày điều trị, hiện bệnh nhân T. đã đi lại được, ăn được bằng đường miệng, các triệu chứng nguy hiểm về sức khỏe đã hết, chỉ số đường huyết đã về lại mức bình thường.

Theo bà Hóa, hiện có đến 50% bệnh nhân tiểu đường đến khám lần đầu đã phát hiện có biến chứng ở thận, mắt, bàn chân, do tỉ lệ bệnh nhân tiểu đường trong cộng đồng chưa được phát hiện mắc bệnh rất cao, người bệnh được phát hiện khi bệnh đã ở giai đoạn muộn. TS Hóa cũng khuyến cáo bệnh viện các tuyến cần chuyển bệnh nhân về bệnh viện chuyên khoa nội tiết khi hàm lượng đường huyết của bệnh nhân từ 30 trở lên.a

http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20141106/cuu-song-benh-nhan-hon-me-liet-chi-do-tieu-duong-kem-tang-ap-luc-tham-thau-mau/668308.html

Theo L.Anh/ Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm