Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cứu sống người phụ nữ nguy kịch mang nhóm máu cực hiếm

Bệnh nhân mang nhóm máu hiếm -O Rh(-), buộc các bác sĩ phải cân nhắc rất nhiều trong việc xử lý cấp cứu.

Bệnh viện Đa Khoa Đức Giang vừa cấp cứu thành công cho bệnh nhân Nguyễn Thị N. (sinh năm 1959, ở Long Biên, Hà Nội).

Trước đó, ngày 26/4, bệnh nhân vào viện trong tình trạng sốc nặng, khó thở, nhịp thở nhanh. Bệnh nhân có nhiều vết thương nặng trên cơ thể gây ra tình trạng mất máu nặng.

Qua thăm khám và các xét nghiệm, bệnh nhân được bác sĩ chẩn đoán đa chấn thương, sốc mất máu, suy hô hấp tràn máu tràn khí màng phổi bên phải do vết thương thấu ngực. Đặc biệt, bệnh nhân có nhóm máu hiếm -O Rh(-), buộc các bác sĩ phải cân nhắc rất nhiều trong việc xử lý cấp cứu.

benh nhan co nhom mau hiem anh 1
Tổn thương của bệnh nhân N. khi vào viện. Ảnh: T.N.

Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam - Phó trưởng khoa Huyết học truyền máu - cho biết: "Người có Rh(-) trong máu được truyền bằng máu có kháng nguyên Rh(+) sẽ xuất hiện kháng thể chống Rh, gây ngưng kết hồng cầu, sinh ra tai biến. Tỷ lệ Rh (-) của người Việt là 0,08% (rất hiếm), trong khi đó tình trạng bệnh nhân rất nguy kịch".

Ngay lập tức, bệnh viện tổ chức hội chẩn các chuyên khoa tại chỗ, xác định tình trạng bệnh nhân rất nặng, cần phải can thiệp mổ cấp cứu ngay mới có thể giữ được tính mạng người bệnh bất kể nhóm máu bệnh nhân rất hiếm.

Cuộc mổ kéo dài 2 tiếng 30 phút, trong và sau mổ bệnh nhân được truyền 2 lít máu cùng nhóm.

"Ngày hôm đó bệnh viện phải huy động “ngân hàng máu sống” tức đối chiếu nhóm máu của toàn bộ nhân viên đã được xét nghiệm trước đó, đồng thời xin trợ giúp từ Viện Huyết học Truyền máu trung ương để lấy máu", bác sĩ Nam cho biết thêm.

Hậu phẫu bệnh nhân tiếp tục được an thần thở máy tại phòng Hồi sức ngoại. Sau hai ngày rút ống nội khí quản, tập thở phục hồi chức năng, toàn trạng bệnh nhân ổn định.


Hà Quyên

Bạn có thể quan tâm