Sáng nay (10/11) Bộ Y tế phối hợp với Sở Y tế Hà Nội tổ chức xuống thăm và trao bằng khen cho kíp bác sĩ mổ cấp cứu cho sản phụ vỡ tử cung tại Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất, Hà Nội.
Đây là một ca cấp cứu thành công hi hữu với tai biến vỡ tử cung tự phát mặt sau được xem là hiếm gặp trên thế giới.
Đại diện Bộ Y tế, ông Nguyễn Đình Anh - Vụ trưởng Vụ truyền thông, Bộ Y tế - đánh giá cao việc xử trí của Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất. Ông cho biết: "Kỹ thuật khâu đường vỡ mặt sau tử cung cho sản phụ là một kỹ thuật rất khó, đặc biệt là với các bác sĩ tuyến huyện. Tuy nhiên các bác sĩ Bệnh viện huyện Thạch Thất đã thực hiện thành công, cứu sống thai phụ và thai nhi. Điều này rất đáng ghi nhận”.
Đại diện Bộ Y tế trao thưởng cho kíp bác sĩ mổ cấp cứu cho sản phụ vỡ tử cung tại Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất, Hà Nội. Ảnh: HQ. |
11 phút thần tốc
Đó là khoảng thời gian khẩn trương nhất tại Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất kể từ khi tiếp nhận đến khi đưa sản phụ Nguyễn Thị Thuyết (22 tuổi, ở xã Phú Kim, huyện Thạch Thất) lên bàn mổ tối ngày 6/11. Thời gian này vượt qua mọi quy trình bắt buộc thường quy của bệnh viện. Nhờ đó, sản phụ Thuyết và con gái đầu lòng đã thoát chết trong gang tấc.
Bác sĩ CKII Vương Trung Kiên - Giám đốc bệnh viện - trực lãnh đạo tối 6/11, cho hay vào khoảng 21h12, thai phụ Nguyễn Thị Thuyết được đưa vào viện trong tình trạng hết sức nguy kịch, qua khám thấy có dấu hiệu vỡ tử cung.
Ngay lập tức, bác sĩ Phạm Phi Long - Trưởng kíp trực Ngoại - Sản xin hội chẩn trực tiếp với giám đốc thống nhất chẩn đoán vỡ tử cung tự phát trên thai 37 tuần.
Nhận định tính mạng sản phụ và thai nhi đang bị đe dọa từng phút, bác sĩ Kiên đã chỉ đạo triển khai mổ cấp cứu khẩn cấp. Chỉ sau 11 phút, bệnh nhân được đưa thẳng lên phòng mổ xử trí khẩn trương, chưa kịp làm bệnh án, xét nghiệm cũng như thủ tục tối thiểu cho một ca mổ cấp cứu.
Khi mổ cho sản phụ, các bác sĩ thấy máu chảy đầy ổ bụng bệnh nhân, tử cung có hai đường vỡ. Người nhà cho biết đây là lần có thai đầu tiên của chị Thuyết, do đó, các bác sĩ đã cố gắng khâu lại tử cung để sản phụ có thể mang thai những lần sau.
“Đối với bệnh viện tuyến huyện, việc cấp cứu bệnh nhân vỡ tử cung là điều không dễ dàng. Thông thường những trường hợp như bệnh nhân này sẽ được chỉ định cắt tử cung. Sản phụ mới 22 tuổi, có thai lần đầu, cả một tương lai còn dài phía trước, nên dù khó khăn đến mấy, chúng tôi vẫn phải khắc phục, bảo tồn tử cung cho người bệnh”, bác sĩ Kiên chia sẻ.
Sau hơn một giờ mổ cấp cứu, em bé nặng 2,5 kg đã cất tiếng khóc chào đời với thể trạng hoàn toàn khỏe mạnh. Đây là lần đầu tiên bệnh viện gặp và cấp cứu thành công ca bệnh nặng như vậy.
Mẹ con sản phụ Thuyết được cứu sống thần kỳ. Ảnh: HQ. |
Ca vỡ tử cung hiếm gặp
Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất cho biết thêm đến nay vẫn chưa xác định được nguyên nhân tình trạng vỡ tự cung tự phát khi mang thai của bệnh nhân. Thông thường, khi tử cung đã vỡ, thai nhi sẽ chết và sản phụ cũng dễ bị tử vong.
Theo bác sĩ Kiên, khi phát hiện tử cung đã vỡ, sản phụ cần được xử trí mổ lấy thai và khâu lại chỗ vỡ hoặc cắt tử cung ngay. Nếu để lâu, máu chảy nhiều, sản phụ sẽ tử vong.
Bác sĩ CKII Nguyễn Thị Thúy Hằng, Phó giám đốc bệnh viện, cũng cho biết vỡ tử cung ở mặt trước gặp rất nhiều, có thể do các chấn thương va đập, tiền sử nạo hút. Tuy nhiên, trường hợp của sản phụ Thuyết là vỡ ở mặt sau. Đây là trường hợp đặc biệt và hiếm gặp trên thế giới, không riêng Việt Nam. Bởi sản phụ không có tiền sử nạo hút, không gặp va đập, chấn thương, cũng chưa chuyển dạ.
Theo bác sĩ Hằng, sản phụ Thuyết có nhiều yếu tố thuận lợi như nhà ở gần bệnh viện nên được cấp cứu kịp thời. Nếu ở xa, tính mạng cả hai mẹ con rất khó cứu. Hơn nữa, bệnh nhân còn được bảo tồn tử cung để tiếp tục sinh con.
“Chúng tôi khuyến cáo chị chỉ có thể mang thai sau 4-5 năm, đặc biệt quá trình mang thai, thai phụ cần được giám sát y khoa chặt chẽ để kiểm soát các biến chứng ảnh hưởng tới cả mẹ và thai nhi”, bác sĩ Hằng lưu ý.