Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thai chết lưu vì mẹ ăn quá nhiều đồ ngọt

Nhiều lần được bác sĩ khuyến cáo có nguy cơ mắc đái tháo đường, không cưỡng nổi cơn thèm đồ ăn ngọt, người mẹ đã mất con ở tuần thứ 37 do thai chết lưu.

Thai nhi lớn lên trong bụng mẹ thế nào? Em bé sẽ phát triển dần theo từng tuần, từng tháng, cuối cùng ở tuần 40, thai nhi có kích thước bằng quả dưa hấu.

TS.BS Trần Nhật Thăng, Trưởng đơn vị Chẩn đoán trước sinh, khoa Phụ sản Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết vừa tiếp nhận sản phụ mang thai ở tuần 37 nhưng con đã tử vong.

Theo bác sĩ Thăng, trong những lần khám thai cho chị Mai (30 tuổi, ở TP.HCM) thầy thuốc này đã cảnh báo bà bầu nên điều chỉnh chế độ ăn bớt đường. Tuy nhiên, do không cưỡng nổi cơn thèm đồ ngọt, bệnh nhân vẫn ăn bánh kẹo, chocolate, trà sữa và tin rằng em bé vẫn bình thường.

Tuy nhiên, đến tuần thứ 37, không thấy thai nhi máy, người mẹ mới đến bệnh viện kiểm tra thì phát hiện đã mất con.

 “Đây là trường hợp vô cùng đáng tiếc, thai phụ đã được cảnh báo về các nguy cơ và tư vấn chế độ dinh dưỡng thai kỳ kỹ lưỡng. Sự chủ quan của người mẹ đã dẫn đến hậu quả thương tâm cho em bé và buộc các bác sĩ phải chỉ định chủ động chấm dứt thai kỳ”, bác sĩ Thăng nói.

Tiểu đường thai kỳ không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe bà mẹ, mà còn để lại nhiều hậu quả trên thai nhi sau khi em bé chào đời.

Căn bệnh khiến sản phụ có nguy cơ đa ối, sảy thai, sinh non, cao huyết áp, tiền sản giật, sản giật, nhiễm trùng thận, quá trình chuyển dạ kéo dài, sinh khó, sang chấn và băng huyết sau sinh, rối loạn đường huyết dẫn tới hôn mê…

Ngoài ra bệnh còn làm gia tăng tỷ lệ dị tật cho con. Theo bác sĩ Thăng, thai nhi dễ bị rối loạn tăng trưởng (quá to hoặc quá nhỏ). Thai quá to có thể gặp phải các sang chấn lúc sinh như trật khớp vai, gãy xương đòn, liệt đám rối thần kinh cánh tay…

“Nguy hiểm hơn thai nhi có thể chết lưu đột ngột do đường huyết tăng quá cao mà không có bất kỳ dấu hiệu báo trước nào”, bác sĩ sản khoa nhấn mạnh.

Sau khi chào đời, trẻ có mẹ mắc bệnh thường dễ bị suy hô hấp, hạ đường huyết, canxi, vàng da,… đồng thời gia tăng nguy cơ mắc bệnh béo phì, cao huyết áp, tim mạch khi trưởng thành. 

Chuyên gia này khuyến cáo 1.000 ngày đầu tiên của cuộc đời là quãng thời gian quan trọng, có yếu tố quyết định chất lượng sức khỏe của mỗi đứa trẻ. Quãng thời gian này được tính ngay từ lúc mầm sống đầu tiên được hình thành trong bụng mẹ, bao gồm cả giai đoạn mang thai. Các mẹ cần tầm soát đường huyết, hạn chế ăn nhiều đường, tinh bột, chất béo.

Thống kê của Hiệp hội Sản phụ khoa thế giới (FIGO, 2015), tỷ lệ mắc đái tháo đường ngày càng tăng, chiếm khoảng 16% trên tổng số thai phụ.

Làm gì khi mắc bệnh tiểu đường trong thai kỳ?

Tiểu đường là vấn đề lớn đối với phụ nữ đang mang thai. Những lưu ý sau đây sẽ giúp các mẹ có thể kiểm soát tình trạng bệnh và luôn khỏe mạnh.


Khánh Trung

Bạn có thể quan tâm