Bác sĩ CKI, Trần Minh Triết, khoa Nội tổng hợp Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết đái tháo đường (ĐTĐ) là bệnh mạn tính không lây nhưng ngày càng gia tăng trên toàn thế giới.
Theo số liệu ước tính của Liên đoàn Đái tháo đường thế giới (IDF), tính đến năm 2015 trên toàn thế giới có khoảng 415 triệu người mắc bệnh ĐTĐ, con số này dự kiến sẽ tăng lên 642 triệu người vào năm 2040. Hiện, cứ 11 người trưởng thành sẽ có một người bị ĐTĐ, và cứ mỗi 6 giây, trên thế giới sẽ có một người tử vong.
Bác sĩ Triết đang khám cho bệnh nhân bị bệnh đái tháo đường. Ảnh: N.P. |
Bác sĩ Triết cho biết có 4 loại ĐTĐ gồm tuýp 1, 2, thai kỳ và nguyên nhân khác. Trong đó, đái tháo đường tuýp 2 chiếm hơn 90% trường hợp. Nguyên nhân chủ yếu của ĐTĐ tuýp 2 là di truyền và các yếu tố từ môi trường.
Bên cạnh đó, sự thay đổi của môi trường sống, tỷ lệ thừa cân béo phì ngày càng tăng do lối sống ít vận động, sử dụng nhiều thức ăn nhanh, đồ uống nhiều đường cũng khiến tỷ lệ bệnh nhân ĐTĐ tuýp 2 ngày càng gia tăng. Bệnh được chẩn đoán bằng cách xét nghiệm máu định kỳ và dựa trên đánh giá các yếu tố nguy cơ (độ tuổi, cân nặng, tiền sử gia đình, bệnh tật).
Hiện nay, bệnh còn có xu hướng xuất hiện ở người trẻ tuổi hơn. “Có những trẻ em béo phì, khởi phát ĐTĐ tuýp 2 khi chỉ mới 12-13 tuổi”, bác sĩ Triết chia sẻ.
Bệnh thường diễn tiến âm thầm và dẫn đến các biến chứng mạn tính trong nhiều năm sau đó. Tuy nhiên, ĐTĐ và các biến chứng hoàn toàn có thể phòng ngừa nếu áp dụng chế độ dinh dưỡng và tập luyện thể lực hợp lý, cũng như tuân theo sự hướng dẫn điều trị của các bác sĩ.