Bệnh nhân N.T.B. (38 tuổi, trú tại Hồng Bàng, Hải Phòng) được đưa đến Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng cấp cứu trong tình trạng đau bụng dưới dữ dội, tiếp xúc chậm, da niêm mạc nhợt, mạch không, huyết áp không, âm đạo ra nhiều máu. Người phụ nữ này đã mổ đẻ 2 lần.
Ngay sau khi tiếp nhận, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân chửa tại vết mổ đẻ cũ, rách, vỡ tử cung gây chảy máu. Nữ bệnh nhân được chuyển ngay vào phòng cấp cứu. Trong quá trình mổ, ê-kíp phẫu thuật phát hiện mặt trước đoạn dưới tử cung vết mổ phình, kích thước 5x6 cm, có nhiều mạch máu tăng sinh dạng gai rau gây rách, vỡ tử cung.
Các bác sĩ phẫu thuật cho bệnh nhân bị vỡ tử cung. Ảnh: BVCC. |
Các bác sĩ tiến hành gỡ dính, cắt tử cung bán phần để lại 2 phần phụ. Bệnh nhân được truyền 8 đơn vị hồng cầu khối và huyết tương. Sau mổ, sức khỏe người này ổn định, được chuyển hậu phẫu để theo dõi, điều trị.
Cùng ngày, cơ sở y tế này cũng cấp cứu cho bệnh nhân T.T.H. (32 tuổi, ở Thủy Nguyên, Hải Phòng) bị vỡ tử cung. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau bụng, da niêm mạc nhợt. Qua siêu âm, bác sĩ chẩn đoán người này mang thai 13 tuần, chửa góc sừng vỡ trên nền vết mổ đẻ cũ 2 lần.
Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ lấy ra từ ổ bụng thai phụ 0,9 lít máu cục và máu loãng, góc sừng phải tử cung có khối chửa tương đương thai 13 tuần bị vỡ toác, đang chảy máu. Ê-kíp phẫu thuật đã xử trí khối chửa, khâu cầm máu, tử cung được bảo tồn. Sau phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhân ổn định.
Bác sĩ Trần Văn Mạnh, Trưởng khoa Kế hoạch hóa gia đình, cho biết, chửa tại vết mổ đẻ cũ là biến chứng thai sản nguy hiểm. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, người bệnh có thể băng huyết, vỡ tử cung, phải cắt bỏ, thậm chí nguy hiểm tính mạng.
Theo bác sĩ Mạnh, hai trường hợp trên đều chửa trên vết mổ đẻ cũ, đã vỡ, nhưng may mắn họ tới bệnh viện kịp thời. Để hạn chế những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra, phụ nữ khi có thai nên đi khám định kỳ, đặc biệt người từng đẻ mổ.