Sáng 9/3, ông Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) và Trịnh Xuân Thanh (nguyên Tổng giám đốc, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam) tiếp tục bị cách ly khi đại diện VKSND Hà Nội và một số luật sư xét hỏi các bị cáo liên quan sai phạm tại dự án Ethanol Phú Thọ.
"Tập đoàn chỉ đạo phải thực hiện"
Bị cáo Vũ Thanh Hà (nguyên Tổng giám đốc Công ty cổ phần hóa dầu và nhiên liệu sinh học - PVB) thừa nhận đã ký tờ trình đề nghị HĐQT công ty phê duyệt chỉ định thầu và ký quyết định phê duyệt chỉ định thầu dù liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T không đáp ứng một số tiêu chí.
Về những thiếu sót trong hồ sơ đánh giá nhà thầu, ông Hà khai không đủ thời gian kiểm tra nội dung. Khi tổ giúp việc đấu thầu và thẩm định thầu trình hồ sơ, bị cáo đã ký.
“Tiến độ theo bị cáo hiểu lúc đó rất gấp gáp khi anh Đinh La Thăng đã chỉ đạo. Bị cáo có thể đã hiểu sai nhưng bị cáo vẫn nghĩ rằng đó là nhiệm vụ chính trị, cố gắng ra quyết định làm sao triển khai cho nhanh”, ông Hà khai.
Bị cáo Vũ Thanh Hà, nguyên Tổng giám đốc Công ty cổ phần hóa dầu và nhiên liệu sinh học. Ảnh: TTXVN. |
Cũng theo lời khai, khi được tổ chuyên gia báo cáo về việc liên danh nhà thầu không đáp ứng tiêu chí chỉ định thầu, bị cáo Vũ Thanh Hà đã ký công văn gửi Tổng công ty dầu Việt Nam và Phó tổng giám đốc PVN. Hai ngày sau, Tập đoàn Dầu khí đã tổ chức cuộc họp giải quyết việc này.
Vì sao biết liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T không đủ năng lực nhưng bị cáo vẫn phê duyệt kết quả đấu thầu? Trả lời kiểm sát viên, ông Hà khai trong báo cáo thể hiện nhà thầu thiếu một số chỉ tiêu. Nhưng trong cuộc họp, lãnh đạo tập đoàn cho biết ban chỉ đạo triển khai dự án phát triển nhiên liệu sinh học sẽ hỗ trợ hướng dẫn thực hiện. Bị cáo cho rằng mình chỉ có trách nhiệm đàm phán về giá.
Bị cáo Vũ Thanh Hà cho biết sau khi có biên bản làm việc giữa PVB và liên danh nhà thầu thể hiện một số chỉ tiêu không đạt, PVB vẫn chưa chỉ định thầu. Khi ông Đinh La Thăng có bút phê vào biên bản, bị cáo “nghĩ đó là nhiệm vụ chính trị” nên thực hiện.
Nhận được chỉ đạo ngày 10/6/2009 phải ký hợp đồng, ông Hà đã ký tờ trình đề nghị HĐQT PVB phê duyệt chỉ định thầu và ký quyết định phê duyệt chỉ định thầu cho liên danh liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T. Ông Hà khai với tư cách chủ đầu tư và dân kỹ thuật, bị cáo không muốn chỉ định thầu. Nhưng trong bối cảnh PVN thực hiện nhiều dự án tốc độ nhanh, chưa bao giờ làm sai, bị cáo đã thực hiện nghị quyết của Đảng ủy cấp trên.
Ông Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh được cách ly khi VKSND xét hỏi các bị cáo trong vụ án. Ảnh: TTXVN. |
Tại tòa, ông Hà nhiều lần nói rằng khi các chuyên gia giúp việc đánh giá hồ sơ năng lực liên danh nhà thầu, bị cáo đã báo cáo cấp trên không thể chỉ định thầu. “Sau khi nghe ý kiến của tôi, tôi thấy tập đoàn vẫn chỉ đạo là phải thực hiện. Thời gian thẩm định phải mất nhiều tháng nhưng khi chỉ có mấy ngày thì tôi chỉ biết thực hiện nhiệm vụ”, bị cáo Vũ Thanh Hà khai.
Theo bị cáo, với tư cách chủ đầu tư, PVB có trách nhiệm đánh giá năng lực nhà thầu. Thực tế, công ty không được làm việc này.
Ngày 14/6/2010, do không đồng ý với một số đề xuất thay đổi thiết kế, vốn đầu tư dự án, ông Hà bị điều chuyển công tác.
Trịnh Xuân Thanh khai gì về dự án gây thất thoát 543 tỷ?
Chiều 8/3, Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam - PVC) cũng được HĐXX xét hỏi về dự án Ethanol Phú Thọ.
Ông Thanh khai do không doanh nghiệp nào đáp ứng được điều kiện đấu thầu nên PVC đã đề nghị PVB thay đổi một số tiêu chí.
Vậy phía PVC có văn bản đề nghị PVN và PVB cho chỉ định gói thầu không? Nghe chủ tọa tiếp tục truy vấn, Trịnh Xuân Thanh khai đầu năm 2009, ông ta được phân công làm Chủ tịch PVC và sau đó tham gia khóa đào tạo do PVN tổ chức. Thời gian đi học, bị cáo không nắm rõ công việc tại đơn vị.
“Tại PVC, toàn bộ dự án Ethanol Phú Thọ không phải do một mình bị cáo chỉ đạo”, Trịnh Xuân Thanh khai và cho biết cuối năm 2008, Tập đoàn PVN có chủ trương về việc chỉ định thầu nên phía PVC rục rịch làm hồ sơ.
Trịnh Xuân Thanh bị cáo buộc phạm 2 tội trong vụ án. Ảnh: TTXVN. |
Theo lời khai, thời điểm đó, lãnh đạo PVN yêu cầu Trịnh Xuân Thanh tham gia cuộc họp để ra nghị quyết đồng ý triển khai dự án Ethanol Phú Thọ với trị giá gói thầu là 59 triệu USD.
“Lúc đó, các anh nói con số 59 triệu USD không thể làm được, phải trên 85 triệu USD”, Trịnh Xuân Thanh khai. Sau đó, lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí yêu cầu thực hiện dự án ở mức 59 triệu USD.
Trịnh Xuân Thanh cho rằng PVC không sai phạm về năng lực khi đấu thầu dự án Ethanol Phú Thọ. Là Chủ tịch HĐQT, bị cáo không quản lý về tài chính hoặc công việc cụ thể của dự án.
Trong phần xét hỏi hôm qua, ông Đinh Lăng Thăng khẳng định không chỉ đạo triển khai gói thầu dự án Ethanol Phú Thọ. Cựu Chủ tịch PVN khai chỉ đôn đốc tiến độ dự án và không biết năng lực của liên danh nhà thầu.
Tuy nhiên, theo cáo buộc, từ chỉ đạo của ông Đinh La Thăng, tháng 8/2008, Trịnh Xuân Thanh ký công văn xin cho PVC được chỉ định thực hiện dự án Ethanol Phú Thọ.
Tháng 3/2009, chủ trương chỉ định thầu dự án cho liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T được thông qua. Khi triển khai dự án, liên danh gặp khó khăn về tài chính và thiếu năng lực nên đơn phương dừng thi công dự án.
VKS kết luận hành vi của ông Thăng và các bị can gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 543 tỷ đồng.