Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cựu trụ trì lừa đảo hơn 67 tỷ đồng không đến tòa phúc thẩm

Bằng nhiều thủ đoạn, cựu trụ trì Phạm Văn Cung đã chiếm đoạt của 4 người phụ nữ tại TP.HCM, Hà Nội và tỉnh Hưng Yên, hơn 67 tỷ đồng.

Ngày 22/11, TAND Cấp cao tại TP.HCM mở phiên tòa phúc thẩm xét xử đối với bị cáo Phạm Văn Cung (40 tuổi, ở tỉnh Vĩnh Long) và Nguyễn Tuấn Sĩ (54 tuổi, ngụ TP Vĩnh Long) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trong vụ án này, cơ quan điều tra đang truy nã Lê Nguyên Khoa (36 tuổi, ở TP Cần Thơ), khi nào bắt được sẽ xử lý sau.

Quá trình thủ tục, HĐXX cho biết bị cáo Phạm Văn Cung (cựu trụ trì chùa Phước Quang) không đến tòa.

Tại tòa hôm nay, đại diện VKSND Cấp cao cho biết vẫn giữ nguyên quan điểm, đề nghị HĐXX hủy toàn bộ bản án sơ thẩm.

Do vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, HĐXX nghị án kéo dài, tòa tuyên án vào ngày 29/11.

cuu tru tri lua dao anh 1

Bị cáo Phạm Văn Cung và Nguyễn Tuấn Sĩ tại tòa sơ thẩm. Ảnh: Minh Anh.

Bản án sơ thẩm thể hiện, năm 2005, Cung là tu sĩ có pháp danh Thích Phước Ngọc, tu tại chùa Phước Quang ở huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Năm 2008, bị can được bổ nhiệm làm trụ trì.

Cũng trong năm 2008, Trung tâm Cô nhi viện Phật giáo Suối nguồn tình thương (nuôi dạy trẻ mồ côi) được thành lập, đến tháng 11/2012 đi vào hoạt động. Cung được giao làm giám đốc trung tâm này. Quen với Khoa, Cung bổ nhiệm anh ta làm thư ký giúp việc. Sau đó, Cung tổ chức nhiều chương trình, sự kiện để tạo uy tín.

Cơ quan chức năng xác định Cung tự xưng quen với lãnh đạo cấp cao, làm các video hoạt động từ thiện để đưa lên mạng xã hội. Thông qua đó, Cung quảng bá hình ảnh, tạo lòng tin cho nhiều người nhằm có tiền tiêu xài.

Cung bị cáo buộc lợi dụng danh nghĩa nhà chùa và trung tâm để liên hệ nhiều người có điều kiện kinh tế, tự nêu lên hoàn cảnh khó khăn trong việc nuôi dạy trẻ mồ côi để họ cảm thông và trợ giúp. Phạm Văn Cung chủ động dựng lên các sự kiện không có thật như bị bắt cóc để mượn tiền của nhiều người. Thậm chí, Cung còn "nổ" quen lãnh đạo, đang làm "mật vụ, tình báo", để giở trò lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Với những thủ đoạn trên, Cung bị cáo buộc cùng với nhiều người khác, giở thủ đoạn tinh vi để chiếm đoạt của 4 người phụ nữ tại TP.HCM, Hà Nội và tỉnh Hưng Yên, hơn 67 tỷ đồng.

Xử sơ thẩm hồi tháng 4, TAND tỉnh Vĩnh Long tuyên phạt Phạm Văn Cung mức án tù chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nguyễn Tuấn Sĩ nhận mức án 3 năm tù về cùng tội danh trên.

Trước đó, VKSND Cấp cao tại TP.HCM đã ban hành kháng nghị toàn bộ bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Vĩnh Long, đề nghị TAND Cấp cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm theo hướng hủy án sơ thẩm để điều tra lại.

Theo VKSND Cấp cao, tòa cấp sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng về tố tụng do tòa không tuyên buộc những người nhận số tiền có được do phạm tội mà có để thu hồi hoàn trả lại cho bị hại.

2 cuốn sách giúp hiểu rõ hơn về luật hình sự

1. Bộ luật Hình sự (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đề cập các điều luật về đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức.

2. 55 cặp tội danh dễ nhầm lẫn trong Bộ luật Hình sự giúp tìm ra những điểm mấu chốt mang tính bản chất để phân biệt tội danh này với tội danh khác.

Cựu trụ trì lừa đảo hơn 67 tỷ đồng vắng mặt, tòa hoãn phiên xử

Cựu trụ trì Phạm Văn Cung vắng mặt, luật sư bào chữa cho bị cáo Cung cũng có đơn xin hoãn phiên xét xử, nên phiên tòa phải dừng lại để đảm bảo quyền và lợi ích cho bị cáo.

Dương Quỳnh Trang

Bạn có thể quan tâm