Cứu vãn hôn nhân trên bờ vực thẳm
Trong thực tế cũng có những người ly hôn đến mấy lần mà vẫn không tìm thấy hạnh phúc, đến nỗi có nhà xã hội học phương Tây gọi là “triệu chứng ly hôn mãn tính”.
>>Hôn nhân bền vững, yêu thôi chưa đủ
>>Những câu hỏi bổ ích trước hôn nhân
>>Bí kíp cho hôn nhân vĩnh cửu
Ảnh minh họa |
Khi quyết định dẫn nhau đến phòng đăng ký kết hôn, chúng ta thường đem theo vào cuộc sống chung nhiều ước vọng. Nhưng sau một thời gian chung sống, không ít cặp vợ chồng đã nảy sinh mâu thuẫn ngày càng gay gắt và trong đầu óc họ đã bắt đầu nảy sinh ý định ly hôn. Tuy nhiên đó là nỗi đau không chỉ cho riêng mình mà còn cho cả những người thân của họ, vì vậy ở nhiều nước trên thế giới hiện nay, trước khi đưa nhau đến toà án, người ta thường dẫn nhau đến văn phòng tư vấn hôn nhân, với hy vọng cứu vãn cuộc hôn nhân của họ. Năm 1966 ở Mỹ chỉ có chừng 1800 nhà tư vấn hôn nhân nhưng đến năm 2001 đã có tới 47.111 chuyên gia làm việc trong lĩnh vực này và chỉ riêng trong năm 2003, họ đã cứu vãn được 863.700 cuộc hôn nhân tránh khỏi đổ vỡ.
Câu hỏi thường được các nhà tư vấn nêu ra với những đôi vợ chồng đang muốn lý hôn là: “Sau khi chia tay nhau, anh hay chị có ý định ''đi bước nữa'' không?” và họ yêu cầu từng người trả lời riêng. Đa số nói lúc này thực tình họ không nghĩ tới điều đó nhưng một số người thú nhận có thể họ sẽ tái hôn nếu gặp người mà họ yêu. Vậy lẽ nào trong cuộc hôn nhân này họ lấy nhau không phải vì tình yêu?
Ở thời đại ngày nay, ai bắt được ai lấy vợ, lấy chồng trừ khi chính họ muốn? Vậy tình yêu ấy đâu rồi hay nó đã rơi mất trong cuộc hành trình của hôn nhân? Và nếu không rút được kinh nghiệm có thể chúng ta sẽ lại đi vào vết xe đổ, trong cái vòng luẩn quẩn: yêu nhau – cưới nhau – chán nhau – ly hôn. Có khác chăng chỉ là thay đối tượng kết hôn này bằng đối tượng khác còn phương thức vẫn thế. Trong thực tế cũng có những người ly hôn đến mấy lần mà vẫn không tìm thấy hạnh phúc, đến nỗi có nhà xã hội học phương Tây gọi là “triệu chứng ly hôn mãn tính”.
Từ trước đến nay, ở nhiều nơi trên thế giới người ta thường cứu vãn hôn nhân bằng phương pháp hoà giải, nặng về phân tích anh sai chỗ nào, chị đúng chỗ nào, giống như phương pháp “giải phẫu” nhằm thức tỉnh lý trí của mỗi người, giúp họ nhận thức được chỗ sai của mình và động viện họ cố gắng sửa đi để sống hoà thuận với nhau.
Nhưng thường thường trong trạng thái tức giận, người ta khó nhận thấy cái sai của mình và vì thế rất khó sửa chữa mà chỉ muốn người kia phải thay đổi đi. Kết quả là sau khi những người hoà giải đi khỏi, họ lại tiếp tục mâu thuẫn hoặc chuyển sang “chiến tranh lạnh” và một thời gian sau lại nung nấu ý định ly hôn.
Trường phái cứu vãn hôn nhân hiện đại không chủ trương đánh vào lý trí mà tấn công vào tình cảm, thật ra một mũi tên nhằm hai mục tiêu. Nếu tình yêu vợ chồng được phục hồi, họ sẽ nhận ra cái sai của mình và họ sẽ sửa được. Nhà tâm lý Willard Harley cho rằng, trong mỗi người đều có những nhu cầu tình cảm mà ông gọi là “cảm xúc cần”, nếu nhu cầu đó được người bạn đời đáp ứng thì chúng ta hạnh phúc và nếu không được đáp ứng thì chúng ta giận dỗi, khó chịu. Nhưng khi vợ chồng đã mâu thuẫn tức là họ đã không hiểu nhau và họ cũng không biết thực ra người kia muốn gì?
Harley đưa cho mỗi người một tờ giấy yêu cầu họ liệt kê ra người kia muốn gì và đưa cho chồng hay vợ họ xem. Trong thực tế, họ thường liệt kê sai hết, chồng muốn thế này, vợ lại tưởng thế nọ và ngược lại. Nhà tư vấn bắt đầu giúp họ tìm ra cái mà người kia muốn, động viên họ cố gắng đáp ứng điều đó. Kết quả thật bất ngờ, chỉ sau một vài buổi trị liệu tâm lý, vợ chồng đã bắt đầu hiểu nhau, bắt đầu làm cho nhau cảm thấy dễ chịu và sau một thời gian họ nắm rất vững những “cảm xúc cần” của người kia và họ luyện tập được thói quen làm cho nhau hạnh phúc, tình yêu của họ dần dần hồi phục. Hoá ra tình yêu đó không chết, nó chỉ bị “ngủ quên” trong khi chúng ta tưởng là nó chết rồi.
Cho nên khi vợ chồng mâu thuẫn, bạn đừng dùng mọi lý lẽ để chứng minh rằng đối phương sai và cũng đừng chứng minh rằng mình đúng. Điều quan trọng nhất là bạn cố gắng tìm hiểu xem họ muốn gì và hãy bằng mọi giá đáp ứng yêu cầu của họ. Yêu cầu đó nhiều khi không phải là quá cao mà ta không thể đáp ứng nổi. Trong thực tế có những “cảm xúc cần” rất đơn giản mà ta hoàn toàn có thể đáp ứng chẳng mấy khó khăn chỉ có điều ta không nhận ra đó thôi.
Chẳng hạn có người chồng chỉ yêu cầu vợ nói ít thôi để anh ta được yên tĩnh nghỉ ngơi, làm việc. Có người vợ chỉ muốn chồng hãy tỏ ra quan tâm đến mình một chút, đi đâu về biết hỏi han, ngày lễ tết, có bông hoa làm quà. Hầu hết những nhu cầu này không đòi hỏi bạn phải có những kỹ năng mới mà toàn là những việc trước đây bạn đã làm khi hai bạn còn tình yêu với nhau. Không ít đôi vợ chồng thực ra cũng muốn làm lành nhưng không biết phải bắt đầu từ đâu và làm như thế nào?
Nên nhớ rằng bạn đừng làm những cái bạn muốn mà điều quan trọng là hãy làm những cái người kia muốn. Ngay trong quan hệ vợ chồng chốn phòng the cũng vậy, hãy yêu theo cách người vợ hay chồng muốn chứ không phải theo cách mà mình muốn. Chúng ta thường nói vợ chồng muốn hạnh phúc phải biết sống vì nhau, phải chiều nhau một chút nhưng nhiều người lại không hiểu người kia muốn gì, vì vậy muốn chiều nhau trước hết phải hiểu nhau, tránh tình trạng gãi không đúng chỗ ngứa có khi chỉ làm người kia bực mình hơn và mâu thuẫn lại càng thêm căng thẳng. Thế mới biết, muốn có hạnh phúc không phải là chiều nhau nhiều vào mà điều quan trọng là đáp ứng đúng cái mà người kia muốn.
Theo Afamily