Nếu được sửa lại, Hemant Pandey sẽ bổ sung thương hiệu cá nhân vào CV để tăng cơ hội được tuyển dụng. Ảnh: Hemant Pandey |
Sự nghiệp kỹ sư phần mềm của Hemant Pandey đã bắt đầu một cách suôn sẻ. Sau thời gian thực tập tại Amazon, anh đảm nhận vai trò kỹ sư phần mềm toàn thời gian tại Tesla vào năm 2018. Thời điểm đó, Pandey đã có mức lương “siêu hấp dẫn" trong một công ty đáng mơ ước.
Mùa hè năm đó, kỹ sư phần mềm người Ấn Độ còn mời cả gia đình đến thăm anh ở bang California (Mỹ). Nhưng chỉ 2 tuần sau khi gia đình tới xứ cờ hoa, anh bị sa thải.
“Đó là công việc đầu tiên của tôi và việc bị sa thải đồng nghĩa rằng tôi phải xây dựng lại các mối quan hệ từ đầu chỉ trong vòng 6 tháng. Tôi cần chứng minh bản thân một lần nữa", anh nói với Businesss Insider.
Pandey cảm thấy không thoải mái khi mọi người cho rằng anh ấy có thể gặp khó khăn, bị từ chối hoặc đánh giá năng lực kém chỉ vì bị công ty cũ cắt giảm.
CV của kỹ sư phần mềm
Kỹ sư phần mềm này luôn chủ động tìm kiếm cơ hội mới. Sau 1 tháng tìm việc, anh nhận được lời mời từ công ty phần mềm SAP. Một năm sau đó, Pandey chuyển sang Salesforce và làm việc ở đó 2 năm. Năm 2021, anh nộp đơn vào Meta sau khi biết đến các gói lương “điên rồ” của công ty trên các diễn đàn công nghệ.
Pandey đã cung cấp mẫu sơ yếu lý lịch mà anh sử dụng từ thời đại học. CV này đã giúp anh có được vị trí kỹ sư phần mềm cao cấp trị giá 500.000 USD/năm tại Meta và những lời đề nghị hấp dẫn từ TikTok và LinkedIn.
CV giúp anh có được vị trí kỹ sư phần mềm cao cấp trị giá 500.000 USD/năm tại Meta. Ảnh: Hemant Pandey |
Nhìn lại bản lý lịch của mình sau 2 năm rưỡi làm việc tại Meta, có một số điều mà Pandey quyết định sẽ vẫn giữ nguyên.
- Giới hạn việc giới thiệu bản thân: Pandey cho biết khi nói đến việc tóm tắt kinh nghiệm làm việc, anh muốn giữ nó thật mơ hồ. Điều này giúp anh có thể trình bày và thể hiện mình rõ hơn trong cuộc phỏng vấn bằng cách trao đổi trực tiếp, thay vì sử dụng 1-3 gạch đầu dòng trong CV.
- Chia sẻ điểm trung bình tích lũy (GPA): Pandey chọn đưa điểm GPA vào CV và coi đây là cơ hội để chia sẻ một câu chuyện trong cuộc phỏng vấn. Anh trình bày với nhà tuyển dụng rằng bản phải nỗ lực như thế nào để theo kịp những sinh viên giàu kinh nghiệm và cách anh cố gắng để đạt điểm cao hơn trong các học kỳ tiếp theo.
- Khả năng làm những việc cơ bản: Khi các kỹ sư chuyển sang các vai trò cấp cao hơn, công việc của họ sẽ ít liên quan đến việc lập trình mà tập trung hơn vào việc lãnh đạo các nhóm, phân phối các dự án. Tuy nhiên, khi nộp CV cho các starup, anh biết bản thân cần phải thể hiện cho họ thấy khả năng cơ bản của mình, đó là lập trình, viết code. Vì thế, Pandey dành một phần trong CV để liệt kê các dự án và công việc viết code trước đây.
Thương hiệu cá nhân trong CV
Tuy nhiên, trong bản CV tưởng chừng đã hoàn hảo đó, Pandey vẫn sẽ thay đổi một điểm. Anh sẽ thêm vào đó các dự án mang tính thương hiệu cá nhân.
“Thương hiệu cá nhân ngày càng quan trọng. Tôi tích cực viết bài trên LinkedIn và đã tạo ra sức ảnh hưởng với 4.000 người đăng ký", Pandey nói.
Anh cho biết sẽ liệt kê thành tựu này trong CV, đồng thời cung cấp cho các nhà tuyển dụng rằng mình còn là một cố vấn cho sinh viên.
“Những điều tôi vừa bổ sung sẽ có nhiều ý nghĩa hơn là chỉ kỹ năng công nghệ và vài chứng chỉ bằng cấp", anh nói với Business Insider.
Pandey là một phần của nhóm lao động và doanh nghiệp ngày càng phát triển, những người coi thương hiệu cá nhân như một cách để thúc đẩy sự nghiệp của họ.
Ngày càng nhiều người lao động cho rằng xây dựng thương hiệu cá nhân là một yếu tố quan trọng góp phần vào việc thăng tiến của họ trong sự nghiệp. Ảnh minh họa: Thirdman/Pexels. |
Quynh Mai, người sáng lập một công ty sáng tạo kỹ thuật số, quyết định xây dựng thương hiệu cá nhân sau gần 10 năm khởi nghiệp. Khi Mai bắt đầu chia sẻ và quảng bá bản thân trên LinkedIn cũng như các hình thức truyền thông khác, cô cho biết khách hàng tiềm năng tin tưởng vào trải nghiệm của cô hơn.
“Xây dựng thương hiệu cá nhân gắn liền với doanh nghiệp của bạn quan trọng hơn bao giờ hết vì mọi người sẽ không hợp tác kinh doanh với bất kỳ ai mà họ không tin tưởng”, Mai nói.
Một số người làm công việc “9 to 5” cũng đã áp dụng cách làm tương tự.
Sahil Dua, kỹ sư máy học cao cấp của Google tại Zurich (Đức), nói với Business Insider rằng các dự án xây dựng thương hiệu cá nhân đã giúp anh có lợi thế trong những buổi phỏng vấn xin việc và thúc đẩy sự nghiệp của anh.
“Chia sẻ về các kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ và tạo ra sức ảnh hưởng đã giúp ích khá nhiều trong việc thăng tiến của tôi", Dua nói.
Nếu cần sửa lại CV của mình ngay hôm nay, Dua cho biết anh sẽ bổ sung thêm kinh nghiệm diễn thuyết tại các hội nghị và một cuốn sách anh viết vào năm 2020.
“Việc bổ sung các yếu tố trên sẽ giúp tôi tăng uy tín cho bản thân. Tôi muốn nhấn mạnh rằng mình là người đã có kinh nghiệm trong lĩnh vực và sẵn sàng chia sẻ kiến thức cho mọi người", Dua chia sẻ.
AI có cướp đi công việc của chúng ta?
Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.