Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đã làm thì phải hết mình

Nhiều năm liền đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua, được Thủ tướng tặng bằng khen, thượng úy Lê Quốc Thái (28 tuổi) luôn toát lên nhiệt huyết của tuổi trẻ.

“Đã làm thì phải hết mình” là nguyên tắc làm việc mà thượng úy Thái đặt ra cho mình. Anh phụ trách lĩnh vực quân lực của đơn vị nên yêu cầu rất cao về sự tỉ mỉ, cẩn trọng và chính xác.

Vì thế, anh không bao giờ làm cho có, cho hết giờ. Việc chưa xong, giờ nghỉ trưa anh tranh thủ làm.

Thượng úy Lê Quốc Thái thăm mẹ Việt Nam anh hùng tại huyện Củ Chi (TP HCM).

Trung tá Mai Văn Tân, phó phòng kế hoạch - tổng hợp Cục Chính trị, không tiếc lời khen: “Việc gì giao cho Thái thì rất yên tâm về kết quả. Thái rất chịu khó học hỏi”.

Tự hào khoác lên mình áo xanh bộ đội

"Việc gì giao cho Thái thì rất yên tâm về kết quả. Thái rất chịu khó học hỏi"

Trung tá Mai Văn Tân (phó phòng kế hoạch - tổng hợp Cục Chính trị).

Người cán bộ trẻ với gương mặt hiền, giọng nói đậm chất Nam bộ này được mọi người trong đơn vị yêu mến, nể phục. Thái cho biết anh đến với nghiệp quân được 9 năm. 19 tuổi anh đi nghĩa vụ quân sự. Hết nghĩa vụ quân sự, anh xin ở lại quân ngũ để phục vụ.

“Ba tôi cũng là bộ đội. Tôi mong muốn được khoác lên mình bộ áo xanh. Vào quân ngũ rồi yêu cái nghiệp nhà binh từ ngày ấy” - anh kể.

Sau đó, thượng úy Lê Quốc Thái xin đơn vị cho đi học ngành công nghệ thông tin Trường đại học Tài chính - marketing. Cứ tối tối anh lại cọc cạch đạp xe đi học. Anh bảo từ những ngày cấp 2, ước mơ của anh là phải giỏi công nghệ thông tin cũng như chuyên ngành luật.

Anh kể lúc ấy bắt đầu được phụ trách mảng quân lực. Những năm 2009, hồ sơ, giấy tờ của đơn vị vẫn còn lưu trữ thủ công trên sổ sách, anh đã ấp ủ biến tủ hồ sơ đồ sộ ấy thành một hệ thống lưu trữ trên máy tính. Vừa mày mò tự học vừa hỏi thầy dạy, anh Thái bắt tay thực hiện ý tưởng ấy.

“Đầu tiên mình âm thầm làm, sau đó đưa kết quả cho thủ trưởng coi. Thủ trưởng thấy nhanh, hiệu quả nên rất ủng hộ” - anh Thái kể.

Đến bây giờ hồ sơ, sổ sách của đơn vị lưu trữ vào hệ thống phần mềm cơ bản đã hoàn thành. Mọi việc tra cứu, trích lục vừa chuyên nghiệp vừa nhanh chóng.

“Trước đây mỗi khi các bác cựu chiến binh về xin lại hồ sơ để làm chế độ thì mình phải hẹn cả tuần. Bây giờ thì chưa đến một ngày” - thượng úy Thái cho biết.

Với niềm say mê tích lũy kiến thức, sau bốn năm học ngành công nghệ thông tin, Thái tiếp tục thi và tự bỏ tiền học đại học ngành luật.

“Tôi học chương trình bốn năm rưỡi. Hiện nay sắp hoàn thành chương trình học. Chuyên môn của tôi liên quan đến các chế độ, chính sách, tiền lương... cho cán bộ, chiến sĩ, bắt buộc không thể xảy ra sai sót vì thiếu kiến thức” - anh Thái nói.

Tâm huyết với công tác thanh niên

28 tuổi, thượng úy Lê Quốc Thái được kết nạp Đảng và trở thành phó bí thư Đoàn Cục Chính trị Quân khu 7. Thấy trong đơn vị sau thời gian rèn luyện anh em chiến sĩ có nhiều thời gian rảnh, Thái quyết định mở lớp dạy tiếng Anh buổi tối.

“Anh em chiến sĩ trình độ khác nhau, người tốt nghiệp cấp 2, người cấp 3, cũng có người đã tốt nghiệp đại học. May mắn có một bạn là cử nhân ngoại ngữ Trường đại học Sư phạm. Mình nhờ bạn này đứng lớp dạy cho anh em”.

Thái bảo thời gian đầu lớp mới hoạt động anh đã nghỉ học buổi tối cả tuần để ngồi dự thính. Khi “thầy” cần sách gì phục vụ việc giảng dạy, anh Thái đích thân đi mua về.

“Tôi chỉ nghĩ đơn giản anh em chia sẻ kiến thức với nhau. Tất cả cùng học hỏi. Nhìn mọi người thực hành, nói chuyện bằng tiếng Anh với nhau, hỏi bài nhau sôi nổi, tiến bộ hơn mỗi ngày thấy vui lắm” - anh cười hiền.

Thượng úy trẻ này còn lập ra mô hình “Học sử qua bảo tàng”. Trong những buổi sinh hoạt chi đoàn, các ngày kỷ niệm lớn hay ngày cuối tuần, anh Thái tổ chức cho đoàn viên đến các bảo tàng trong thành phố tìm hiểu về lịch sử của dân tộc.

“Trước đây tôi đưa các bạn đi rồi về bảo các bạn viết cảm nhận, nhưng thấy mọi người không nhớ lâu. Một lần gặp nhóm sinh viên, nhìn báo cáo thu hoạch của họ với những câu hỏi rất hay đặt ra trước buổi tham quan, buộc mọi người phải tư duy để giải đố, ghi nhớ...

Tôi học hỏi và thay đổi cách làm, trước mỗi chuyến đi tôi thường đi tiền trạm trước, tìm hiểu và đặt ra câu hỏi. Các bạn đoàn viên cũng hiểu và hứng thú hơn” - anh Thái kể.

Trong túi Thái lúc nào cũng có chiếc máy ảnh nhỏ, đi đến đâu có mô hình gì hay, thú vị anh đều chụp lại để về tìm tòi, áp dụng cho đơn vị của mình. Anh bảo đó là niềm vui, niềm say mê của đời lính như anh.

Người trẻ làm việc để tồn tại, không phải để chơi

Theo Reyna (24 tuổi), không ai hiểu những khó khăn người lao động trẻ đang phải trải qua.

http://tuoitre.vn/tin/nhip-song-tre/20160220/da-lam-thi-phai-het-minh/1054249.html

Theo Minh Phượng/Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm