Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Da mặt nhiễm trùng, mưng mủ sau khi lăn kim tại spa

Một ngày sau khi lăn kim tại spa, da mặt mặt người phụ nữ bắt đầu phù nề, nhiễm trùng, mưng mủ.

Bệnh viện Da liễu TP.HCM vừa tiếp nhận một trường hợp da mặt bị tổn thương nghiêm trọng, mưng mủ, phù nề, rỉ dịch do lăn kim.

Trước đó, nữ bệnh nhân 37 tuổi, ngụ tại TP.HCM, đến một spa ở quận 3 để lăn kim kim với chi phí gần 40 triệu đồng. Sau một ngày, da mặt của bệnh nhân bắt đầu nổi nhiều mụn mủ rải rác và ngày càng nhiều hơn, lan rộng hơn. Bệnh nhân chia sẻ quá hoảng sợ nên đã quay lại spa để hỏi nhưng được nhân viên ở đây trả lời là “bình thường” rồi cho về.

Bệnh nhân quyết định đến khám tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM trong tình trạng da mặt đỏ, phù nề, bưng mủ, rỉ dịch, đau nhức. Sau khi thăm khám, bác sĩ xác định bị viêm da nhiễm trùng do lăn kim và được chỉ định điều trị kháng sinh, kháng viêm, thuốc bôi và rửa ngoài da.

da mung mu do lan kim anh 1

Da mặt bệnh nhân sưng nề, rỉ dịch và nhiễm trùng sau khi lăn kim. Ảnh: Lan Anh.

ThS.BS Trần Nguyên Ánh Tú, Phó trưởng khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da liễu TP.HCM, cho biết lăn kim là phương pháp điều trị có thể giúp trẻ hóa làn da, cải thiện nếp nhăn, sẹo mụn, lỗ chân lông to... nhờ vào cơ chế tạo vết thương "giả", sự lành thương sẽ giúp da cải thiện, mịn màng và sáng khỏe. Đồng thời, lăn kim sẽ giúp các thuốc bôi điều trị hấp thu qua da tốt hơn, từ đó cho hiệu quả điều trị cao hơn.

Tuy nhiên, không phải tình trạng da nào cũng phù hợp lăn kim. Trong một số trường hợp, việc thực hiện kỹ thuật này sai hoặc chỉ định sai có thể gây nhiễm trùng da, mụn nước, mụn mủ, hoặc có thể càng làm tình trạng sẹo và sạm da trầm trọng hơn.

“Để thực hiện thủ thuật này, chúng ta thường cần bôi thuốc tê để giảm đau, do đó nguy cơ dị ứng, sốc do thuốc tê có thể xảy ra. Vì vậy, việc điều trị lăn kim nên được thực hiện ở những cơ sở y tế đảm bảo vô trùng, có đầy đủ trang thiết bị cấp cứu để giải quyết kịp thời khi có tai biến xảy ra”, bác sĩ Tú nhấn mạnh.

Theo thống kê của Bệnh viện Da liễu TP.HCM, trung bình mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận khoảng 5-7 trường hợp tai biến trong làm đẹp. Để đảm bảo an toàn, tránh tình trạng “tiền mất tật mang”, các bác sĩ khuyến cáo người dân khi làm đẹp nên đến các cơ sở y tế uy tín, bệnh viện có chuyên khoa da liễu để thực hiện nhằm tránh các tai biến có thể xảy ra.

Mất tiền triệu lăn kim làm đẹp, khách hàng nhận lại các biến chứng Sở Y tế TP.HCM chưa cấp phép cho các spa hay thẩm mỹ viện thực hiện kỹ thuật lăn kim, nhưng hơn 2.000 cơ sở trên địa bàn thành phố vẫn làm cho khách.

Mặt người phụ nữ đen sạm sau khi lăn kim trị nám da ở spa

Sau khi trị nám da ở một spa, hai má người phụ nữ ngoài 40 tuổi loang lổ, đen sạm, rỉ dịch vàng, nhiễm trùng da.

Bích Huệ

Bạn có thể quan tâm