Tiền tiết kiệm vơi dần là một trong những nguyên nhân khiến người Mỹ quay lại làm việc. |
Khi Sam Dogen nghỉ hưu vào năm 2012 ở tuổi 34 với tài sản ròng trị giá 3 triệu USD, anh trở thành một trong những người tiên phong của phong trào FIRE (độc lập tài chính, nghỉ hưu sớm).
10 năm sau, Dogen tiếp tục trở thành tâm điểm khi nói rằng đã đến lúc quay trở lại làm việc.
Dogen, hiện 45 tuổi, là chủ sở hữu trang blog tài chính cá nhân nổi tiếng Financial Samurai từ năm 2009.
Thông qua blog này, độc giả có thể theo dõi hành trình của anh và gia đình, từ tiết kiệm để nghỉ hưu sớm đến việc rời bỏ sự nghiệp và xuất bản sách, theo Fortune.
Chi phí tăng vọt
Có nhiều lý do khiến một thành viên nổi tiếng của trào lưu FIRE quyết định gia nhập thị trường lao động.
Thứ nhất, giống như những người khác, danh mục đầu tư của Dogen đã giảm mạnh vào năm ngoái. Thứ hai, anh nhớ không khí làm việc và mối quan hệ đồng nghiệp ở môi trường công sở.
Tuy nhiên, có lẽ điều cấp bách nhất là vì Dogen sắp không đủ khả năng để chi trả cho học phí đại học của con cái với tình hình tài chính hiện tại.
Khi Dogen nghỉ hưu, anh và vợ thậm chí không chắc họ sẽ có con. Bây giờ họ có hai đứa trẻ và đang sống ở San Francisco (Mỹ). Chi phí sinh hoạt tại đây khá đắt đỏ ngay cả với những người kiếm được hàng trăm nghìn USD từ thu nhập thụ động.
"Cuộc sống đầy những thăng trầm và ẩn số. Bạn phải cố gắng dự đoán tương lai và không biết điều gì sẽ xảy ra”, Dogen nói với Fortune.
Nhiều người nghĩ rằng Dogen chưa bao giờ thực sự nghỉ hưu. Mặc dù đã rời bỏ thế giới văn phòng và chủ yếu sống bằng thu nhập thụ động, anh vẫn tư vấn cho các công ty khởi nghiệp, viết blog, xuất bản sách trong 10 năm qua.
Anh chỉ làm những công việc này một cách thoải mái tại nhà, điều mà đang ngày càng trở nên phổ biến khi một số chính sách làm việc từ xa do Covid-19 vẫn còn tồn tại.
Sam Dogen nghỉ hưu vào năm 34 tuổi và quay lại làm việc khi ở tuổi 45. Ảnh: Forbes. |
Ngoài ra, các quy định linh hoạt của nhiều công ty, đặc biệt là ở Bay Area (California), đang áp dụng là một lý do khác đã thôi thúc Dogen quay lại thị trường lao động.
“Đối với hầu hết người muốn nghỉ hưu sớm, nguyên nhân lớn nhất là vì cố gắng thoát khỏi một môi trường làm việc tồi tệ hoặc bầu không khí chán nản. Nếu tôi có nhiều sự lựa chọn như vậy vào năm 2010-2012, có lẽ tôi đã tiếp tục công việc hàng ngày của mình trong 5 năm tới”, anh nói.
Tuy tiền sinh hoạt của Dogen và gia đình vẫn còn được đảm bảo bởi thu nhập thụ động, bao gồm việc nắm giữ bất động sản và trang blog, anh nói rằng điều đó cũng không thể tránh khỏi chi phí giáo dục đại học cao ngất ngưởng ở xứ cờ hoa.
Anh ước tính có thể tốn tới 1,5 triệu USD để gửi cả hai đứa con - hiện 6 tuổi và 3 tuổi - vào một ngôi trường tốt.
Chứng kiến các khoản vay dành cho sinh viên cản trở nhiều người đạt được thành công về tài chính và chấp nhận rủi ro trong sự nghiệp, anh không muốn món nợ khổng lồ treo lơ lửng trên đầu con cái của mình.
Quay lại làm việc
Hiện tại, Dogen dự định thử một điều gì đó khác biệt. Anh quan tâm đến các cơ hội sản xuất video hoặc làm việc với đội thể thao.
"Khi nhận được công việc đầu tiên, bạn sẽ cực kỳ phấn khích. Bạn không được trả nhiều tiền, nhưng tiềm năng phát triển là rất lớn. Đó là cảm giác mà tôi muốn tạo lại và cảm nhận một lần nữa”, ông bố 2 con chia sẻ.
Mặc dù có vẻ vô lý với một số người khi từ bỏ nghỉ hưu sớm với mức lương thấp hơn cả lương khởi điểm trung bình ở Mỹ, đó là một phần ưu điểm của việc đạt được độc lập tài chính.
Dogen không cần phải vùi đầu trong văn phòng hay quay trở lại với guồng quay tất bật mà anh ghét. Hiện anh đang cân nhắc các lựa chọn khác nhau và sẽ thử những công việc phát huy niềm đam mê của mình trong khoảng thời gian này.
"Tôi nghĩ tất cả chúng ta có thể sống 3 cuộc đời khác nhau hoặc nhiều hơn. Nhưng mỗi người buộc phải chọn một con đường và tận dụng tối đa nguồn lực đó”, blogger tài chính bày tỏ.
Không ít người Mỹ cũng phải kiếm việc làm sau khi nghỉ hưu vì chi phí sinh hoạt tăng cao. Ảnh: Time Out. |
Tuy nhiên, một lợi ích khác trong hoàn cảnh của Dogen là anh không bị ràng buộc với quyết định của mình. Nếu anh không thích việc đó hoặc cho rằng nó không xứng đáng với công sức bỏ ra, anh có thể thử làm cái khác.
Dù tiền là một yếu tố quan trọng khiến Dogen quyết định quay lại công việc truyền thống, đó không phải là yếu tố duy nhất.
"Tôi đã thử mọi thứ mà bản thân muốn trải nghiệm. Vì vậy, bây giờ, tôi thích ý tưởng làm việc cho giải bóng rổ Nhà nghề Mỹ (NBA) hoặc làm điều gì đó hoàn toàn mới mẻ. Tương lai sẽ không diễn ra theo kế hoạch. Hãy linh hoạt và chuẩn bị cho những gì sắp tới”, anh nói thêm.
Niềm vui và nỗi buồn của công việc
Tập truyện ngắn của nữ tác giả Jang Ryu Jin mang đến cái nhìn khác về cuộc sống của tầng lớp thanh niên ở Hàn Quốc. Chúng ta thường quen với hình ảnh những nam thanh nữ tú, chỉn chu trong bộ trang phục công sở, làm việc trong những cao ốc văn phòng sang trọng. Thực tế, áp lực công việc và khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, khiến nhiều người trẻ không còn thiết tha với tình yêu, chuyện kết hôn hay sinh con. Các nhân vật của Jang Ryu Jin đều là những thanh niên bình thường mà người ta có thể gặp ở bất cứ đâu. Mỗi câu chuyện là một mảng màu sáng-tối đan xen, tạo nên bức tranh đa chiều về những khó khăn của người trẻ trong xã hội hiện đại.