Kể từ khi 2 cô con gái chào đời, Kris Tan trở thành ông bố nội trợ toàn thời gian. |
“Tôi có thể hoàn thành bất kỳ vai trò nào của một người mẹ, ngoại trừ việc cho con bú”. Đây là một trong những điều khiến Annie Tan, cây viết của Channel News Asia, ấn tượng nhất tại cuộc trò chuyện với Kris Tan (41 tuổi, sống tại Singapore).
Annie từng nghe nhiều phụ nữ tuyên bố rằng họ có thể thực hiện bất cứ điều gì nam giới làm được. Nhưng cô không thể nhớ đàn ông nào nói điều tương tự.
Rất ít nam giới đã trải qua những thách thức khi trở thành nội trợ và dường như ít người khao khát được trải nghiệm điều đó.
Tuy nhiên, Tan lại có một quan điểm rất khác. Là cha của hai bé gái 6 tuổi và 3 tuổi, anh đã từ bỏ công việc quản lý mạng xã hội để dành toàn thời gian ở bên các con.
Ở nhà nội trợ toàn thời gian
Trong 6 năm qua, Tan không chỉ có mặt trong các mốc phát triển quan trọng của con mà còn kiêm luôn nhiệm vụ thay tã, cho ăn đêm, ru ngủ.
Anh cũng từng trải qua giai đoạn trầm cảm lâm sàng, một phần do thiếu ngủ trầm trọng và căng thẳng khi nuôi dạy con cái.
Tuy nhiên, bất chấp những khó khăn đó, Tan vẫn không bỏ cuộc và cho rằng tất cả điều đó đều xứng đáng.
Tan từng không có ý định trở thành một ông bố nội trợ. Trước khi có con, anh có công việc ổn định làm tại nhà. Vợ anh, Li Ruifang (38 tuổi), là thế hệ thứ ba được truyền lại cửa hàng ăn uống tại 545 Whampoa Prawn Noodles ở trung tâm Tekka.
Li thường làm việc 6 ngày một tuần, rời khỏi nhà vào khoảng 2h30 và trở về lúc 16h.
Tan không muốn thuê người giúp việc nên khi hai vợ chồng lên kế hoạch sinh con, anh đã quyết định mình sẽ chăm em bé để Li đi làm. Cô có thể phụ chồng việc nhà bất cứ khi nào rảnh.
Tuy nhiên, khi họ chào đón con gái lớn Kyra vào năm 2016, Li bị chấn thương xương cụt trong quá trình sinh nở. Sau khi bảo mẫu nghỉ, Tan hoàn toàn đảm nhận việc chăm sóc con cái.
“Bệnh của vợ tôi kéo dài hơn một năm và nó khiến cô ấy rất đau đớn. Vì vậy ngay cả khi đi làm trở lại sau 4 tháng nghỉ thai sản, những ngày cuối tuần của cô ấy đều dành cho hồi phục sức khỏe và công việc nhà được giao cho tôi”, ông bố 2 con nói.
Vào thời điểm đó, Tan đang quản lý hai tài khoản mạng xã hội và làm việc tại nhà từ 9h đến 17h.
Tháng 10/2019, vợ chồng Tan chào đón cô con gái thứ hai Ella. |
“Khi Kyra còn là một đứa trẻ sơ sinh và cử động còn hạn chế, mọi thứ vẫn có thể kiểm soát được. Nhưng khi con bé bắt đầu bò và cần tương tác, tôi cảm thấy căng thẳng. Từ lúc trẻ tập bò, phụ huynh phải tìm một nơi an toàn để chúng học cách vượt qua giới hạn của mình mà không làm thương bản thân”, anh nhớ lại.
Việc phải luôn chú ý đến con gái trở thành gánh nặng tinh thần liên tục mà anh phải chịu cả ngày dài.
Kyra có vấn đề về giấc ngủ khi được 5-6 tháng tuổi và thường thức dậy nhiều lần vào ban đêm. Lúc đó, Tan phải thức suốt đêm để dỗ dành cô bé.
Tình trạng thiếu ngủ, áp lực bủa vây khiến anh suy sụp và bắt đầu có các triệu chứng trầm cảm.
Mọi thứ trở nên tồi tệ hơn khi Kyra lên một tuổi. Anh phải cắt giảm khối lượng công việc của mình từ quản lý 2 tài khoản mạng xã hội xuống chỉ còn một.
Sau đó, ngay sau khi Kyra tròn 2 tuổi, Tan đã từ bỏ khách hàng cuối cùng của mình để trở thành một ông bố nội trợ toàn thời gian.
“Tôi đã sẵn sàng gác lại sự nghiệp vì khi Kyra lớn hơn, con bé cần tôi dành nhiều thời gian hơn. Tôi cũng thực sự không thể cân bằng giữa công việc và gia đình”, anh bày tỏ.
Phụ thuộc tài chính vào vợ
Khi Li cùng chồng đến bệnh viện, anh được chẩn đoán mắc chứng trầm cảm lâm sàng. Tan phải dùng thuốc chống vào tháng 10/2018 và bắt đầu cảm thấy khá hơn.
Một năm sau, cặp vợ chồng sinh thêm một cô con gái đặt tên là Ella. Việc nuôi dưỡng 2 đứa trẻ khiến Tan tiếp tục đấu tranh với chứng trầm cảm trong vài năm, cuối cùng chỉ ngừng uống thuốc vài tháng trước.
“Tôi tin rằng sự kết nối giữa cha mẹ và con cái là rất quan trọng đối với sự tự tin, cũng như quá trình trưởng thành của trẻ. Đó là lý do tại sao tôi không thuê người giúp việc hoặc gửi Kyra đến nơi giữ trẻ. Chúng tôi chỉ đưa cháu đến trường mầm non khi đã được khoảng 19 tháng tuổi.
Tôi cũng chưa bao giờ nghĩ đến chuyện nói vợ nghỉ làm để có nhiều thời gian bên con vì tôi thấy cô ấy bán hàng sướng hơn ngồi bàn giấy từ 9h đến 17h giờ”, anh bày tỏ.
Tan thuộc thế hệ đàn ông mới, thực sự ủng hộ bình đẳng giới.
Tân (thứ 4 từ trái sang) từng thích đạp xe và chơi game, nhưng anh đã từ bỏ những sở thích này để dành nhiều thời gian hơn cho con cái. |
“Tôi luôn đánh giá cao phụ nữ và không hề hạ thấp họ. Chỉ sau khi làm cha, tôi mới hiểu vai trò của người mẹ khó khăn như thế nào”.
Tan không cho rằng việc chăm sóc nên là vai trò của phụ nữ. Theo anh quan sát, mặc dù việc quán xuyết gia đình vẫn chủ yếu do người mẹ đảm nhận, các ông bố ngày nay đã tham gia nhiều hơn và nhận thức đang dần thay đổi.
Ngoại trừ một số người lớn tuổi, hầu hết người anh từng gặp, đặc biệt là phụ nữ, đều rất ủng hộ quyết định của Tan.
“Tôi được họ hàng, mẹ chồng và vợ khen ngợi rất nhiều. Cô ấy tự hào khi nói với bạn bè rằng 'Chồng tôi đang chăm sóc bọn trẻ. Anh ấy làm mọi thứ'”, Tan kể.
Ở nhà nội trợ đồng nghĩa với việc Tan không thể đóng góp tài chính cho gia đình. Khi liên quan đến tiền, Tan đã phải từ bỏ một số quyền kiểm soát.
“Mỗi khi cần thứ gì cho con cái hay bản thân, tôi đều phải hỏi vợ. Khi chúng tôi đi ăn, việc người phục vụ đưa hóa đơn cho người đàn ông là điều rất tự nhiên và tôi sẽ phải nói họ chuyển sang cho vợ vì cô ấy là người trả tiền bữa ăn”, anh cho hay.
Bây giờ 2 con gái đã lớn, Tan băn khoăn không biết khi nào nên quay lại làm việc để đóng góp thu nhập cho gia đình, có quỹ tài chính riêng để mua đồ cho bản thân và vợ.
Nhưng nghỉ việc đã quá lâu, anh thừa nhận mình cảm thấy khó quay trở lại guồng quay của mọi thứ. Hiện ông bố 41 tuổi đang xem xét các công việc bán thời gian linh hoạt khác trong khi cố gắng học lập trình để tìm kiếm cơ hội.
Sự bất công với phụ nữ luôn ẩn mình trong xã hội hiện đại
Khi nghiên cứu về nhiều mặt của đời sống như: Giao thông, y tế, giáo dục, phúc lợi xã hội… phần lớn dữ liệu được thu thập từ nam giới, hoặc không phân biệt giới tính khi tiến hành khảo sát. Từ đó các nhu cầu của phụ nữ không được quan tâm đúng mức. Cuốn sách Phụ nữ vô hình của tác giả Caroline Criado Perez mang đến cho người đọc một cái nhìn khác về bình đẳng giới. Bình đẳng không nằm ở việc đặt hai giới ngang nhau khi suy xét một vấn đề cụ thể. Sự công bằng đến từ việc nhìn nhận một cách đúng đắn về các hạn chế của phụ nữ từ đó giúp họ thể hiện hết khả năng của mình và không bị tụt lại phía sau.