Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Đại dịch châu chấu chưa có hồi kết ở Đông Phi

Việc sử dụng thuốc trừ sâu trên diện rộng góp phần làm chậm lại cuộc xâm lược của binh đoàn châu chấu, nhưng hậu quả do phương pháp để lại vẫn chưa được thống kê và đánh giá.

Dai dich chau chau anh 1

Một đàn châu chấu khổng lồ là thảm họa khủng khiếp. Chúng bắt đầu bằng một vệt đen ở phía chân trời, tiếp đó là bóng tối dần che phủ. Những tiếng xào xạc nhỏ dần trở thành tiếng ồn inh tai của hàng triệu con côn trùng màu vàng ào đến. Từ cuối năm 2019, những đám mây châu chấu đã lan ra khắp vùng Sừng châu Phi, tàn phá hoa màu và đồng cỏ, khiến con người phải kích hoạt chiến dịch tiêu diệt chúng trên diện rộng.

Chiến dịch phun thuốc trừ sâu trên mặt đất và từ không trung tại 8 quốc gia Đông Phi, điều phối bởi Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp thế giới (FAO) đã ngăn được viễn cảnh tồi tệ nhất - những con châu chấu phá hủy nguồn lương thực của hàng triệu người. Năm 2020, theo tính toán của FAO, chiến dịch đã bảo vệ được lượng đồng cỏ và lương thực đủ cho 28 triệu người ở vùng Sừng châu Phi và Yemen trong một năm.

Nhưng tiến triển này đi cùng với những hậu quả chưa xác định cho môi trường, và bài toán khó là phải tìm ra cách để tiêu diệt loài sâu bọ xâm lấn này mà không phá hủy thực vật, làm hại côn trùng, động vật hoang dã và cả con người.

Hậu quả chưa xác định

Đến giờ, 2,3 triệu lít thuốc trừ sâu hóa học đã được phun trên 1,9 triệu ha, với chi phí khoảng 195 triệu USD (theo thống kê của FAO). Chiến dịch này sẽ tiếp tục được tiến hành trong năm nay.

Việc đánh giá các tổn thương đối với môi trường chưa hoàn tất, nhưng tác hại của thuốc trừ sâu đã được ghi lại suốt nhiều thế kỷ ở các khu vực khác. Thuốc trừ sâu diện rộng không chỉ giết châu chấu, mà còn giết cả ong và các loài côn trùng khác. Chúng xâm nhập vào nguồn nước và có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Dino Martins, Giám đốc điều hành Trung tâm nghiên cứu Mpala tại Kenya, cho biết: "Tất nhiên sẽ có những thiệt hại ngoài kiểm soát. Tất cả những hóa chất này được tạo ra để giết côn trùng, và chúng làm điều đó với số lượng lớn".

Đàn châu chấu hình thành từ năm 2018, sau khi bão lốc đem mưa lớn đến khu vực hoang mạc Ả Rập, cho phép chúng sinh sản trên cát ướt. Gió mạnh vào năm 2019 đẩy đàn đến Yemen, sau đó qua Biển Đỏ vào Somalia, Ethiopia và Kenya.

Việc phun thuốc được tiến hành ngay cả khi đại dịch Covid-19 lan rộng trên khắp thế giới. Đeo khẩu trang, hàng trăm tình nguyện viên địa phương và lính nghĩa vụ Kenya đã đeo những bình phun và phun lên đám châu chấu bất cứ loại thuốc sâu nào trong kho. Họ đã phun hàng chục nghìn lít deltamethrin, cũng như hàng trăm lít fipronil, chlorpyrifos, và những loại thuốc diệt côn trùng khác. Trong đó, nhiều loại bị cấm ở châu Âu và một số nơi ở Mỹ.

Ở trường hợp được ghi nhận tại vùng phía bắc Samburu, một đội khiểm soát mặt đất đã phun lượng hóa chất gấp 35 lần mức khuyến cáo trên một vùng đất, giết chết cả ong và bọ cánh cứng.

Thecla Mutia, trưởng nhóm giám sát tác động đến môi trường của các nỗ lực kiểm soát châu chấu tại Kenya, cho biết: "Ban đầu, đây là một tình huống khẩn cấp. Ý tưởng là cố gắng kiểm soát càng nhanh càng tốt để đảm bảo an ninh lương thực".

Chật vật tìm giải pháp thay thế

Thuốc trừ sâu là chất độc. Bốn loại được dùng ở Kenya dưới sự kiểm duyệt của FAO có nguy cơ gây hại cao cho ong, thấp đến trung bình với chim, trung bình đến cao với các loài thiên địch của châu chấu và những côn trùng trong đất, như kiến và mối.

Liên minh châu Âu đã cấm sử dụng chlorpyrifos từ đầu năm 2020, và một số bang của Mỹ như New York, California, và Hawaii cũng cấm chất này. Fenitrothion không được phép sử dụng tại châu Âu, nhưng được dùng ở Mỹ và Australia để chống lại châu chấu.

Cyril Ferrand, trưởng nhóm của FAO tại Nairobi cho biết: "Chúng tôi không che giấu về bản chất của thuốc trừ sâu, nhưng không thể không làm gì trong lúc đàn châu chấu lan rộng. Chúng tôi muốn giảm số lượng châu chấu sa mạc theo cách có trách nhiệm".

Dai dich chau chau anh 4

Châu chấu tàn phá mùa màng với tốc độ và quy mô đáng sợ. Ảnh: BBC.

Các giải pháp sinh học không độc hại, có thể giết châu chấu nhưng không gây tổn hại những loài khác, đã có từ nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, thuốc trừ sâu hóa học vẫn là lựa chọn hàng đầu, chiếm đến 90% số dung dịch được phun trong chiến dịch tại Đông Phi.

Việc phát triển thuốc trừ sâu sinh học bắt đầu từ cuối những năm 1980, sau đại dịch châu chấu kéo dài nhiều năm, trải rộng từ Bắc Phi đến Ấn Độ.

Christiaan Kooyman, một nhà khoa học Hà Lan chế tạo thuốc trừ sâu sinh học từ nấm Metarhizium acridum - loài tấn công châu chấu, cho biết: "Khi thấy con số lên tới hàng triệu lít thuốc trừ sâu được phun, ngay cả cộng đồng quyên góp chúng cũng hoảng sợ. Và họ đặt ra câu hỏi 'Ta có thể làm gì khác?".

Metarhizium, được bán ra thị trường từ 1998, được FAO đề xuất là "giải pháp kiểm soát thích hợp nhất" với châu chấu, nhưng hiếm khi được sử dụng. Loại thuốc này tác dụng chậm, cho tỷ lệ "triệt hạ" thấp - nghĩa là giết sau nhiều ngày thay vì vài giờ. Đồng thời, việc sử dụng nó cũng rất đắt đỏ và khó khăn, hiệu quả với những con non hơn là bầy châu chấu trưởng thành - vốn là mối đe dọa lớn lúc bấy giờ.

Ưu điểm lớn nhất của Metarhizium - chỉ giết châu chấu - cũng khiến đây là sản phẩm đem lại ít lợi nhuận. Các công ty thu được rất ít tiền khi sản xuất loại thuốc này, cũng như phải trải qua quá trình xin cấp phép tốn kém ở một quốc gia và mất rất nhiều thời gian cho đến khi được phép sử dụng.

Graham Matthews, một nhà khoa học trong hội đồng sáng lập Tổ chức Đánh giá Thuốc trừ sâu, cho biết: "Châu chấu không thường xuất hiện, và các doanh nghiệp không hứng thú với việc sản xuất thứ gì đó không được dùng. Khi đàn châu chấu đến, bạn sẽ không muốn chờ sản xuất mới mà muốn có sẵn giải pháp".

Chính vì thế, chính phủ các nước đã sử dụng những thuốc trừ sâu hóa chất diện rộng, có sẵn.

Điều khiến việc phun các hóa chất này đáng lo ngại với nông dân, người chăn thả gia súc, các nhà khoa học và bảo tồn tại Kenya là có quá nhiều điều chưa biết - nếu có - về những tác hại chúng đã gây ra. Một đánh giá của chính phủ Mỹ cảnh báo "nguy cơ tác động tiêu cực đáng kể đến môi trường và sức khỏe con người", và Ngân hàng Thế giới cho rằng nguy cơ cho môi trường là "rất lớn".

"Việc sử dụng lượng thuốc trừ sâu lớn tất nhiên sẽ gây hại cho đa dạng sinh học, nhưng mức độ ảnh hưởng vẫn chưa được xác định", Sunday Ekesi, nhà côn trùng học tham gia lực lượng chống châu chấu sa mạc của chính phủ Nairobi, cho biết.

Một mối lo ngại lớn ở Kenya là tác động của thuốc trừ sâu lên các loài thụ phấn. Những nông dân cho rằng sự biến mất của loài ong là nhân tố gây ra sản lượng mật ong và xoài thấp. Tuy nhiên, việc thiếu các thông tin giám sát khiến các nhà khoa học khó lòng biết chuyện gì đang thực sự diễn ra.

Hướng dẫn ban hành năm 2003 của FAO về các biện pháp an toàn cho thấy việc phun từ trên không ít tác động đến sức khỏe con người hơn là phun ở mặt đất, nhưng thường đem lại "nhiều lo ngại hơn cho môi trường" vì có nguy cơ xâm nhập vào các khu vực nhạy cảm trong hệ sinh thái. Nhìn một cách tổng quan, chiến dịch diệt trừ châu chấu hiện tại của Kenya đã được cải thiện so với những tuần đầu.

Nếu làm đúng, tác động đến môi trường sẽ rất thấp. Tuy nhiên, chưa có nhiều báo cáo chính thức được công bố về vấn đề này.

Dai dich chau chau anh 7

Máy bay phun thuốc trừ sâu tại khu vực bị châu chấu xâm chiếm. Ảnh: FAO.

Raphael Wahome, một nhà khoa học động vật tại Đại học Nairobi, cho rằng FAO cần sớm đưa ra các báo cáo, để các nhà nghiên cứu có thể đánh giá một cách toàn diện hơn.

Ông cho biết: "Mối lo ngại chính của chúng tôi là việc tất cả tập trung vào kiểm soát châu chấu mà không có hệ thống giám sát song song về các tác động không mong muốn. Cả tôi và bạn đều không biết chuyện gì đang xảy ra ở những nơi thuốc trừ sâu đã được sử dụng".

An Ngọc

Theo National Geographic

Bạn có thể quan tâm