Khi những tin tức đầu tiên về virus corona chủng mới xuất hiện vào tháng 1/2020, TJ (25 tuổi, sống ở London) chẳng mấy bận tâm. “Tình hình ngày càng căng thẳng nhưng tôi tự nhủ: ‘Mình còn trẻ và còn khỏe, rồi sẽ ổn thôi’”.
Trong lần phong tỏa đầu tiên, suy nghĩ của TJ bắt đầu thay đổi. Anh trở nên độc thân “mãi mãi”, trong khi cô bạn cùng nhà bị chôn chân cùng với bố mẹ. Dù vậy, TJ vẫn cảm thấy lạc quan.
“Thế nhưng cuối tuần đầu tiên đó, sự vắng lặng của căn nhà cùng hàng tiếng đồng hồ trống rỗng khiến tôi cảm thấy rất khó chịu về mặt tinh thần. Tôi không biết mình sẽ ra sao khi tình cảnh này kết thúc. 4 tuần sau, tôi thực sự sợ hãi về sức khỏe tinh thần. Tôi không thể chống chọi được nữa”, anh nhớ lại.
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, khoảng 7,7 triệu người ở Vương quốc Anh sống một mình trong năm qua. Ảnh: Wired. |
TJ là một trong số khoảng 7,7 triệu người ở Vương quốc Anh sống một mình trong phần lớn hoặc cả năm qua.
Theo The Guardian, tháng 11/2020, Văn phòng Thống kê Quốc gia công bố phát hiện cho thấy sự cô đơn đã tăng lên mức kỷ lục. 8% cá nhân trưởng thành (khoảng 4,2 triệu người) cảm thấy “luôn luôn hoặc thường xuyên cô đơn”. Nhóm 16-29 tuổi có khả năng trải nghiệm nỗi cô đơn trong đại dịch cao gấp đôi người trên 70.
“Bạn không bao giờ nghĩ rằng nỗi sợ bị bỏ lỡ (FOMO) tồn tại khi tất cả đều mắc kẹt ở nhà. Thế nhưng khi lướt Instagram, trông thấy bạn bè ở cạnh người yêu hoặc bạn cùng nhà của họ, tôi chợt nghĩ: ‘Ước gì có ai ở đây. Tôi thấy cô đơn quá’”, TJ nói.
Sa sút tinh thần
Ngay cả những người trước đây thích sống một mình cũng thấy rằng sự cô lập xã hội gần như ảnh hưởng đến chất lượng thể chất của họ.
Carl (56 tuổi, đến từ Derbyshire) than vãn: “Cảm giác thật ngột ngạt”.
Carl sống độc thân 5 năm qua và tận hưởng sự tự do mà điều đó mang lại. Tháng 6/2020, ông tự nguyện xin thôi công việc IT. Niềm háo hức về thời gian được nghỉ ngơi nhanh chóng biến mất, thay bằng chuỗi ngày vô vị.
“Trong vòng 2 tuần, cảm giác trống rỗng cứ ập đến từng đợt nhưng tôi vẫn ổn. Rồi một sáng thức dậy, tôi cảm thấy hoàn toàn đơn độc”, Carl nói.
Nhiều người cách ly xã hội quá lâu nhận thấy sức khỏe thể chất và tinh thần suy giảm rõ rệt. Ảnh: Justin Paget/Getty. |
Việc mất kết nối với người xung quanh buộc một số cá nhân phải tự suy xét về bản thân.
Brenda (71 tuổi) đột ngột thức giấc giữa đêm. “Tôi không phải kiểu người nghĩ đến cái chết, nhưng đột nhiên muốn thu dọn giấy tờ và loại bỏ những thứ lộn xộn vì sẽ không công bằng cho con gái nếu tôi qua đời. Tất cả những điều tôi bỏ lỡ khi không có ai ở cạnh cứ thế hiện lên trong tâm trí”.
Cảm giác bất an này khó lay chuyển ngay cả khi Brenda có cơ hội hòa nhập. “Điều tôi thấy kỳ lạ là mình dường như đánh mất tính hòa đồng vốn có. Hè năm ngoái, một bà bạn và con gái tổ chức bữa tiệc, chỉ mời 15 người. Tôi thực sự mong chờ sự kiện này nhưng cảm thấy rất bình thường khi nó tới”.
Brenda luôn thích cuộc sống một mình trong ngôi làng hẻo lánh ở Scotland. “Thế nhưng, cô lập hoàn toàn với xã hội là điều hoàn toàn khác. 5 tháng trôi qua, tôi nhớ mọi người ghê gớm và rơi vào tình trạng sa sút”, bà nói.
Suy nghĩ tiêu cực
Sự cô lập xã hội trong thời gian dài được biết là làm tăng nguy cơ tử vong, có thể so sánh với việc hút 15 điếu thuốc mỗi ngày. Những người cô đơn có nhiều khả năng chọn các cơ chế đối phó không tốt cho sức khỏe của họ.
TJ bắt đầu uống rượu nhiều hơn. “Đỉnh điểm của sự cô đơn là tôi chỉ nghĩ đến rượu. Trong tuần thì không sao, tôi làm biên tập viên cho một tạp chí nên sẽ nói chuyện với các đồng nghiệp yêu quý. Ngay khi đến 18h thứ 6, tôi tắt laptop và phải đối mặt với cuối tuần trống rỗng”.
Chàng trai 25 tuổi dọn nhà, xem tivi, nghe Donna Summer hát hoặc nằm dài trên ghế sofa, nhắm nghiền mắt cố gắng thư giãn.
“Thế nhưng suy nghĩ của tôi trở nên độc hại khi cứ hồi tưởng về những điều ngu ngốc hoặc quyết định tồi tệ mình đưa ra nhiều năm trước. Sự cám dỗ uống rượu luôn chực chờ”, TJ kể.
Sự cô lập xã hội trong thời gian dài được biết là làm tăng nguy cơ tử vong. Ảnh: Justin Paget/Getty. |
Nhiều tháng trôi qua, cảm giác khó chịu của sự đơn độc buộc một số người phải ưu tiên sức khỏe tinh thần của họ bất chấp lệnh phong tỏa.
Sarah (29 tuổi) độc thân và sống một mình kể từ tháng 12/2019. Cô gặp gỡ bạn bè bên ngoài cũng như ở nhà của họ. Nhưng điều này gây căng thẳng cho các mối quan hệ của cô.
“Một số bạn bè nói tôi ích kỷ và vô trách nhiệm. Tôi có thể hiểu sự tức giận của họ. Nhưng những ai bị nhốt trong nhà cùng người khác không thể biết cảm giác chịu đựng 23 giờ đơn độc, nhìn chằm chằm vào WhatsApp hoặc Zoom”, Sarah lý giải.
Thay đổi
Đối với một số người, sự cô độc và tự suy xét bản thân cuối cùng cũng mang đến thay đổi.
Sau 2 tháng, TJ ngừng uống rượu. “Một buổi sáng, tôi thức dậy và nghĩ: ‘Đúng vậy, không ai đến giải cứu mình cả. Tôi cần học cách sống với bản ngã, suy nghĩ của chính mình’”.
Điều đó khiến chàng trai trở nên kiên cường hơn. Anh nói: “Tôi tập trung vào các mục tiêu nhỏ, như chạy 5.000 km đầu tiên, học cách suy nghĩ cho đến cuối ngày thay vì lo lắng về những gì có thể xảy ra trong cả năm tới”.
Áp lực tìm bạn đời cũng dịu đi.
“Đừng hiểu sai ý tôi. Tôi nhớ việc hẹn hò và hôn ai đó, nhưng thấy không nhất thiết phải bắt đầu một mối quan hệ”, TJ nói.
Nhiều người tự vực dậy tinh thần sau chuỗi ngày chán nản, suy sụp vì quá cô đơn. Ảnh: DutcherAerials. |
Khi đại dịch ập đến, Lauren (ngoài 30 tuổi) sống một mình đã 3 năm. Cô có suy nghĩ hiển nhiên tương tự TJ: trong khi thích gặp gỡ người mới, áp lực phải đưa mối mối quan hệ sang trang khác, nghiêm túc hơn khiến cô đau khổ.
Gần cuối lần phong tỏa đầu tiên, Lauren đi hẹn hò với một chàng trai nghiện tình dục đa ái trong nghĩa trang ở London.
“Bình thường, điều đó sẽ không bao giờ xảy ra, bởi tôi luôn theo đuổi mối quan hệ một vợ - một chồng”, cô nói.
Hai người giữ liên lạc suốt mùa hè. Điều đó thật vui vẻ và thoải mái, nhưng Lauren đã phá vỡ nó khi các hạn chế mới xuất hiện.
Đối với Carl, sự cô độc buộc ông phải suy nghĩ cẩn thận về những gì bản thân mong muốn cho tương lai.
“Trước khi đại dịch xảy ra, tôi luôn sống cho hiện tại. Một số người thấy tôi hơi xa cách nhưng tôi biết đó không phải là con người thật của mình”, ông nói.
Bây giờ, Carl muốn cởi mở hơn với một mối quan hệ. “Thật tuyệt khi có ai đó thức dậy bên cạnh hoặc đi dạo cùng, nắm tay và ôm”.
Tháng 3 năm ngoái, Brenda dự định chuyển đến sống với con gái lớn trước khi cô sinh con thứ 2. Tuy nhiên, vì dịch bệnh, bà thậm chí chưa thể gặp đứa cháu mới chào đời của mình.
Với Brenda, đó là một trong những phần đau đớn nhất của trải nghiệm phong tỏa, nhưng nói thêm: “Tôi thực sự muốn giữ tinh thần lạc quan”.
Năm ngoái, chồng một người bạn thân của Brenda qua đời. Ông ấy rất sợ Covid-19.
“Đó không phải lý do ông ấy qua đời. Nhưng tôi thực sự buồn khi nghĩ rằng nỗi sợ hãi là ám ảnh quá lớn trong năm cuối đời của ông ấy. Tôi nhận ra rằng mình đã 71 tuổi và không còn nhiều thời gian để lãng phí. Tôi đi dạo bên bờ biển, trải nghiệm thiên nhiên. Chỉ cần sống hết mình có thể”, Brenda nói.