Ngày 22/1, VKSND TP Hòa Bình tiếp tục tranh luận với nhóm luật sư, các bị cáo vụ Vô ý làm chết người và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình.
Buộc tội của VKS là có căn cứ
Tham gia tranh tụng, bị cáo Trương Quý Dương (cựu Giám đốc bệnh viện) thừa nhận, luận cứ buộc tội ông ta thiếu trách nhiệm trong sự cố y khoa làm chết 9 người của VKS là có căn cứ.
"Bị cáo có trách nhiệm trong sự cố, không khẳng định mình oan hay không oan, tội nặng hay nhẹ, tất cả đều được pháp luật soi xét", ông Dương nói và trình bày, có một điều gì đó chưa thỏa đáng cho bản thân ông và 6 bị cáo còn lại trong vụ án này.
Ông Trương Quý Dương bị VKS đề nghị đến 3 năm tù. Ảnh: Hoàng Lam. |
Theo bị cáo, biến cố xảy ra trong ngành y tế có tính đặc thù. 9 bệnh nhân tử vong khi chạy thận là sự cố hy hữu trên thế giới.
Bị cáo dẫn chứng, nếu biến cố xảy ra ở một tỉnh nào đó trước Hòa Bình thì bản thân ông sẽ có những hướng xử lý để không xảy ra vụ việc như ngày 29/5/2017.
Tiếp tục tự bào chữa, cựu giám đốc sinh năm 1962 mong muốn, HĐXX bên cạnh áp dụng các quy định “cứng” của pháp luật, có thể xem xét thêm tính đặc thù của ngành y tế.
Về cáo buộc thiếu trách nhiệm, buông lỏng quán lý, Trương Quý Dương cho rằng ông là giám đốc bệnh viện nhưng chỉ chuyên khoa. Nếu lấn sang lĩnh vực khác sẽ vi phạm Luật Khám chữa bệnh.
"Ở bệnh viện còn có các đầu mối quản lý khoa, phòng, ban. Mỗi người phải thấy được trách nhiệm của mình, đừng đổ lỗi cho người khác", cựu Giám đốc bệnh viện nói và kết thúc hơn 10 phút trình bày.
Ông Trương Quý Dương vi phạm quy chế đơn vị
Tranh luận quan điểm của bị cáo Trương Quý Dương và nhóm người bào chữa, bà Bùi Thị Thu Hằng (đại diện VKSND TP Hòa Bình) khẳng định, luận cứ buộc tội đối với bị cáo Dương đều phù hợp với quy chế đã được bệnh viện ban hành.
“VKS tái khẳng định bị cáo đã không thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình”, bà Hằng nêu và phân tích, hành vi buông lỏng quản lý đó diễn ra trong thời gian dài, từ khi lập Đơn nguyên lọc máu cho đến hôm xảy ra sự cố y khoa (2010-2017).
Theo công tố viên, trong 7 năm đó, người đứng đầu bệnh viện đã bỏ mặc Đơn nguyên lọc máu cũng như buông lỏng quản lý thiết bị nơi đây, trong đó có hệ thống nước RO 2.
Hai công tố viên đại diện VKS tại phiên tòa. Ảnh: Hoàng Lam. |
Đại diện VKS cho rằng, bản thân là giám đốc nên ông Dương không thể giao hết trách nhiệm cho cấp dưới rồi bỏ mặc, mà phải quán xuyến nhân viên. “Người đứng đầu phải có trách nhiệm cao nhất, nếu không thì ai cũng có thể làm giám đốc”, kiểm sát viên nhận định.
Tiếp đó, đại diện VKS cho biết quá trình nghiên cứu vụ án và điều tra, cơ quan công tố xác định Bệnh viện đa khoa Hòa Bình chưa ban hành quy trình sử dụng trang thiết bị y tế để nhân viên biết đâu là an toàn.
Thiếu sót này đã để mặc các điều dưỡng viên và cán bộ bệnh viện không ai nhận biết được, rằng phải có kết quả xét nghiệm nước thì mới được vận hành máy lọc thận. Trách nhiệm này thuộc về bị cáo Trương Quý Dương.
Trước đó, khi luận tội, đại diện VKS nhận thấy, bị cáo Trương Quý Dương đã buông lỏng quản lý, vi phạm quy chế bệnh viện. Bị cáo làm trái quy định của Bộ Y tế qua việc ký quyết định thành lập Đơn nguyên thận khi chưa bố trí cán bộ kỹ thuật máy móc, đảm bảo an toàn cho bệnh nhân.
Khi xảy ra biến cố, ông Dương đã đùn đẩy trách nhiệm cho người khác. VKS đề nghị tòa tuyên bị cáo Dương mức án 2,5-3 năm tù.
Ngày mai (23/1), HĐXX tiếp tục làm việc.
Mức án VKS đề nghị đối với 7 bị cáo. |