Một số trường đang đào tạo cử nhân 4 năm đến 4 năm rưỡi băn khoăn về chương trình đào tạo sẽ như thế nào nếu thời gian đào tạo bị rút ngắn.
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết: Trong Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo đã nói đến vấn đề hội nhập. Như vậy, khung trình độ quốc gia xây dựng phải tương thích với các nước ASEAN và hội nhập quốc tế.
Thời gian đào tạo các trình độ cũng tương tự. Hiện nay, nhiều nước áp dụng là tiến trình đào tạo Bologna ở châu Âu (Bologna Process là sáng kiến cải cách giáo dục đại học của các nước châu Âu bắt đầu vào năm 1999) 3 năm, 5 năm và 8 năm (3 năm tốt nghiệp ĐH, 5 năm tốt nghiệp thạc sĩ và 8 năm tốt nghiệp tiến sĩ).
Chúng ta cũng cố gắng đưa khung đào tạo không quá dài, để sinh viên không ở trong trường ĐH quá lâu ảnh hưởng đến xin việc làm, tính kinh tế trong quá trình đào tạo, hiệu quả đào tạo…
Năng lực trình độ sinh viên cũng tương thích với thế giới. Nhưng chúng ta không rút ngắn thời gian đào tạo ngay lập tức. Chúng ta sẽ từng bước làm việc này, như khuyến khích xây dựng chương trình mới nằm trong khung thời gian này ví dụ như hai trường ĐH xuất sắc là Việt Đức, Công nghệ cũng đã theo khung này. Với những trường có lịch sử lâu dài thì đang cố gắng để phù hợp với khung trình độ đó.
Ông Bùi Văn Ga. Ảnh: Tiền Phong. |
- Đối với nước ngoài, sinh viên không phải học các môn bổ sung như triết học, ngoại ngữ, giáo dục quốc phòng nên có thể đào tạo 3-4 năm. Chương trình của các trường ĐH Việt Nam sắp tới sẽ điều chỉnh thế nào để có thể đào tạo được theo tiến trình này, thưa ông?
- Chúng ta phải đảm bảo khối lượng kiến thức tối thiểu của khung trình độ quốc gia. Do đó, sinh viên có thể học các môn khác như giáo dục quốc phòng, triết học Mác Lênin… nhưng lõi kiến thức chuyên ngành không được giảm đi. Bằng chứng là khi áp dụng tín chỉ, nhiều sinh viên đã rút ngắn được thời gian học xuống còn 3 năm.
Điều này cho thấy, trong bối cảnh thực tế, sinh viên vẫn có thể rút ngắn được thời gian học nhưng vẫn đảm bảo được chương trình đào tạo. Từ thực tiễn này, các trường có thể điều chỉnh chương trình linh hoạt hơn để sinh viên không phải học tập quá lâu tại các trường ĐH.
- Điều đó có nghĩa là các môn bổ sung sẽ như thế nào, thưa ông?
- Tức là các môn học này, các trường có thể thiết kế gọn lại hoặc bố trí thời gian cho phù hợp, hoặc đào tạo xen kẽ. Vì hiện nay, đào tạo tín chỉ chương trình rất mềm dẻo, không cứng nhắc như đào tạo niên chế. Do đó, người học linh hoạt bố trí thời gian học, các trường cũng thế.
Hơn nữa, hiện nay, phương pháp học cũng không truyền thụ kiến thức như ngày xưa nên người học chỉ học bằng đó thời gian nhưng hiệu quả hơn trước. Tất cả những môn khác vẫn bắt buộc, không bỏ môn nào.
- Thưa ông, hiện nay, các trường đại học Y đang đào tạo ngành bác sĩ đa khoa trong thời gian 6 năm. Với quy định này, các trường y có cơ chế đặc thù?
- Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng có chỉ đạo điều chỉnh thời gian học tại trường y cho phù hợp hơn. Đào tạo bác sĩ đa khoa hiện nay 6 năm nhưng ra trường cũng giống cử nhân đào tạo 4 năm nên họ rất thiệt thòi. Do đó, thiết kế chương trình mới phải điều chỉnh lại cái này.
Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT đang nghiên cứu để thiết kế lại khung trình độ của y phù hợp hơn, đảm bảo quyền lợi người học không thiệt thòi. Ví dụ, ngành khác học 6 năm là thạc sĩ, nhưng y học rất vất vả 6 năm ra cũng chỉ là bằng ĐH thôi. Chính vì vậy, trong cơ cấu hệ thống cũng đã có ý này.
- Hiện các trường đã được giao quyền tự chủ, có nhất thiết phải quy định cụ thể thời gian đào tạo không, thưa ông?
- Quy định là 3-4 năm nhưng sinh viên có thể học vượt, bố trí rút ngắn thời gian, không nhất thiết phải học 4 năm, nhưng 3 năm là tối thiểu, không thể rút ngắn thêm. Nếu rút hơn thì không thể có chất lượng đào tạo. Vì nếu thế, các trường sẽ cắt hết các môn bổ trợ. Do đó, 3 năm là tối thiểu. Sắp tới, các trường xây dựng chương trình mới cố gắng rút bớt thời gian đào tạo.
Luật giáo dục cũng cho các trường tự chủ hoàn toàn, nên việc xây dựng chương trình, chọn giáo trình để dạy là quyền ở các trường. Vì vậy hoàn toàn mềm dẻo. Do đó, Bộ chỉ quản lý chuẩn đầu ra (bằng khung trình độ quốc gia).
Hiệu trưởng các trường hoàn toàn có thể lựa chọn chương trình phù hợp. Ngoài ra còn có kiểm định chất lượng giáo dục. Các tổ chức kiểm định sẽ vào cuộc. Hiện chúng ta có 4 trung tâm kiểm định để làm việc này.
Đầu vào của các trường Bộ cũng không can thiệp, Bộ chỉ ban hành ngưỡng đảm bảo chất lượng tối thiểu. Trong suốt quá trình đào tạo, Bộ cũng không đi kiểm tra mà để cho các trung tâm kiểm định làm việc này.
Trước không có trung tâm kiểm định thì các trường có thể chệch choạc, trường tuyển vào, đào tạo như thế nào không ai biết, chuẩn đầu ra đạt hay không không ai kiểm tra. Giờ có tổ chức kiểm định chất lượng làm.
Từ kiểm định chất lượng, chúng ta sẽ tiến hành phân tầng, xếp hạng các trường đại học. Các trường phải bắt buộc nâng cao chất lượng. Tự chủ nhưng buộc phải nâng cao chất lượng chứ không phải thả chất lượng.