Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đại học có chất lượng nên kiểm tra năng lực

PGS.TS Nguyễn Hội Nghĩa cho biết kỳ thi đánh giá năng lực sẽ xem thí sinh có năng lực thực sự để học đại học (ĐH) không, chứ không nhằm kiểm tra kiến thức các em đã học ở bậc THPT.

PGS.TS Nguyễn Hội Nghĩa - Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM - trao đổi về kỳ thi đánh giá năng lực. 

- Được biết năm 2017, ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ thí điểm tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực cho một số trường, ngành có đề xuất. ĐH Quốc gia Hà Nội vừa bỏ kỳ thi đánh giá năng lực sau 2 năm tổ chức. Vậy tại sao ĐH Quốc gia TP.HCM lại tổ chức kỳ kiểm tra năng lực, thưa ông?

- Những trường ĐH lớn, có chất lượng và có chiến lược thì nên tổ chức kiểm tra năng lực để tuyển sinh chứ không thể dựa vào kỳ thi THPT quốc gia vì mục đích khác nhau.

Mục đích chính của kỳ thi THPT quốc gia không phải là đánh giá năng lực để vào học ĐH mà là đánh giá quá khứ. Ở kỳ thi này, việc đánh giá năng lực chỉ chiếm 2/3. Đó là chưa kể việc tổ chức kỳ thi còn tiếp tục thay đổi không đáp ứng hoàn toàn yêu cầu để các trường ĐH tuyển lựa đúng sinh viên vào học ĐH.

Ky thi danh gia nang luc anh 1
Kỳ thi đánh giá năng lực vào ĐH Quốc gia TP.HCM để kiểm tra thí sinh có đủ thực lực để học ĐH hay không Ảnh: Người Lao Động.

 

Năm 2017, ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ thí điểm kỳ đánh giá năng lực cho một số trường, ngành có đề xuất với quy mô phù hợp. Về tầm nhìn, chắc chắn vài năm nữa, ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ tổ chức kỳ kiểm tra năng lực cho các trường, khoa thành viên.

Các trường, ngành này cũng chỉ dành tỷ lệ không quá 20% chỉ tiêu xét tuyển theo kết quả đánh giá năng lực bởi nếu xét tuyển với tỉ lệ lớn hơn sẽ ảnh hưởng không tốt đến tâm lý sinh viên.

Việc thí điểm thi đánh giá năng lực sẽ tổ chức tại trường, ngành nào, ĐH Quốc gia đang bàn tính thật kỹ lưỡng và sẽ công bố sau một tuần nữa.

Như vậy, năm 2017, các trường thành viên của ĐH Quốc gia TP.HCM vẫn dành tỷ lệ lớn chỉ tiêu xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia, đồng thời vẫn xét tuyển thẳng học sinh trường chuyên, năng khiếu đạt danh hiệu học sinh giỏi trong năm lớp 10, 11 và 12 hoặc là thành viên đội tuyển của trường hoặc tỉnh, thành tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia.

- Kỳ kiểm tra năng lực này sẽ được tổ chức như thế nào? Thí sinh tham dự kỳ thi cần phải đáp ứng những yêu cầu gì, thưa ông?

 - Kỳ kiểm tra năng lực dự kiến sẽ được ĐH Quốc gia tổ chức sau kỳ thi THPT quốc gia chừng 10 ngày. Thí sinh tham gia kỳ đánh giá năng lực sẽ chỉ làm 1 bài thi như bài thi SAT của Mỹ, bài thi này gồm phần tự luận (30 phút) và 100 câu trắc nghiệm (150 phút).

Đúng như tên gọi là đánh giá năng lực, kỳ kiểm tra sẽ đánh giá xem thí sinh có năng lực thực sự để học ĐH không chứ không nhằm kiểm tra lại những kiến thức đã học ở bậc THPT. Yêu cầu của đề thi đối với thí sinh là kiểm tra sự vận dụng, sử dụng kiến thức và các năng lực khác như kỹ năng đọc hiểu, phân tích, suy luận, giải quyết vấn đề…

Đề thi sẽ cung cấp toàn bộ dữ liệu, không đòi hỏi thí sinh phải nhớ kiến thức mà yêu cầu thí sinh phải xử lý kiến thức đó bằng năng lực của mình.

- Việc tổ chức kỳ đánh giá năng lực liệu có gấp gáp bởi thời gian không còn nhiều? ĐH Quốc gia TP.HCM đã có sự chuẩn bị gì, đặc biệt là ngân hàng đề thi?

- ĐH Quốc gia TP.HCM đã có kế hoạch tổ chức kỳ đánh giá năng lực từ trước chứ không phải bây giờ mới đề cập. Đối với ngân hàng đề thi, Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo cũng như ĐH Quốc tế đã có sự chuẩn bị và thời gian tới sẽ tiếp tục bổ sung nhiều câu hỏi vào ngân hàng đề. ĐH Quốc gia TP.HCM luôn thận trọng và tự tin sẽ tổ chức thành công kỳ kiểm tra đánh giá năng lực.

Báo Thái Lan: Vì sao giáo dục Việt Nam được đánh giá cao?

Tờ Bangkok Post vừa đăng tải bài viết lý giải tại sao thành tích giáo dục Thái Lan lại thua kém Việt Nam và Singapore.



http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/dh-co-chat-luong-nen-kiem-tra-nang-luc-20161221221625115.htm

Theo Huy Lân / Người Lao Động

Bạn có thể quan tâm