Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa đưa ra dự thảo quy chế tuyển sinh đại học (ĐH) và cao đẳng (CĐ) nhóm sư phạm năm 2017 với nhiều điểm mới. Đáng chú ý nhất là bỏ ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào (còn gọi là điểm sàn) - một quy định vốn ảnh hưởng đến nguồn tuyển của các trường ĐH, CĐ.
Rộng cửa tuyển cho các trường tốp dưới
Ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào hay còn gọi là điểm sàn lâu nay được xem là điều kiện cần đối với thí sinh song năm nay Bộ GD&ĐT quyết định bỏ quy định này.
Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga lý giải việc dự kiến bỏ điểm sàn là bước thực hiện quyền tự chủ của các trường theo Luật giáo dục ĐH. Theo đó, các trường tùy theo chiến lược phát triển, tính chất đặc thù của ngành nghề đào tạo và điều kiện bảo đảm chất lượng, uy tín... để đưa ra điều kiện đầu vào tương ứng, riêng của trường mình.
Thêm vào đó, theo ông Ga, điểm sàn không có nhiều ý nghĩa với các trường có điểm chuẩn cao. Năm 2016, bộ có quy định điểm sàn nhưng hàng loạt thí sinh trên ngưỡng này không đăng ký xét tuyển ĐH. Điều này cho thấy thí sinh đã biết tự chọn đường đi cho bản thân, không cố gắng vào ĐH bằng mọi cách.
Thí sinh sẽ có nhiều cơ hội vào ĐH khi không còn điểm sàn Ảnh: Người Lao Động. |
Tuy nhiên, không phải ai cũng có chung quan điểm với Bộ GD&ĐT. Hiệu trưởng một trường ĐH cho rằng việc bỏ điểm sàn ĐH tại thời điểm này là không hợp lý vì đây có thể là cơ hội để một số trường tuyển sinh ồ ạt, ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng đào tạo.
Theo vị này, các trường tốp trên có thể không quan tâm đến sàn nhưng các trường tốp dưới sẽ nhân đây để tuyển sinh đủ hoặc vượt chỉ tiêu.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, cho biết ông kịch liệt phản đối việc bỏ điểm sàn. Ông cho rằng học ĐH yêu cầu thí sinh phải có năng lực nhất định chứ không phải học sinh nào tốt nghiệp THPT cũng học được.
Về lâu dài, có thể bỏ quy định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào nhưng hiện nay thì không được bởi hệ thống giáo dục ĐH còn nhiều bất cập, sự chênh lệch về chất lượng đào tạo của các trường còn rất lớn.
Đa phần các trường ĐH chưa được kiểm định nên bỏ điểm sàn sẽ tạo cơ hội cho các trường tốp dưới lợi dụng tuyển những học sinh không đủ năng lực vào học. Chất lượng đầu vào yếu, các trường lại buông lỏng chất lượng đào tạo sẽ sản sinh ra hàng vạn cử nhân, kỹ sư ra trường không làm được việc và lại thất nghiệp.
Cao đẳng khó khăn hơn
Thông tin bỏ điểm sàn ĐH khiến các trường CĐ vốn đã khó tuyển sinh nay thực sự lo lắng. Ông Hoàng Hoài Nam, Hiệu trưởng CĐ Giao thông Vận tải TP.HCM, cho rằng bộ chủ quản bỏ điểm sàn sẽ làm tăng nguồn tuyển cho các trường ĐH. Điều này đồng nghĩa việc giảm nguồn tuyển của các trường CĐ.
Những năm vừa qua, Bộ GD&ĐT cho các trường ĐH ngoài công lập tuyển sinh bằng hình thức xét học bạ đã khiến các trường khó khăn, nay chắc sẽ khó khăn hơn.
Bà Nguyễn Thị Lý, Hiệu trưởng CĐ Công nghệ Thủ Đức, cho rằng việc chọn nghề, chọn trường của học sinh hiện nay đã thay đổi so với trước kia. Giờ đây, nhiều em đã cân nhắc chọn học ngành nào, trường nào để ra trường dễ tìm được việc làm nhưng phần lớn vẫn có xu hướng học ĐH thay vì học CĐ hay trung cấp.
“Những trường CĐ nào có chất lượng mới chống chọi được khi đầu vào của ĐH và CĐ như nhau”, bà Lý nói.
PGS Lưu Văn An, Phó giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cho rằng khi không còn điểm sàn, nhiều trường có thể hạ điểm chuẩn. Tuy nhiên, học ĐH hay CĐ là quyền tự quyết của thí sinh, thực tế cho thấy thí sinh có khả năng sẽ không ứng tuyển vào những trường lấy điểm quá thấp.
Các trường phải giữ uy tín
PGS Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Bách khoa Hà Nội, cho rằng việc bộ “mở đầu vào” sẽ tạo cơ hội cho một số trường hạ điểm chuẩn để thu hút thí sinh nhưng số này không nhiều.
Ông Điền phân tích để giữ thương hiệu của mình, các trường phải giữ uy tín, không thể tuyển sinh đầu vào quá thấp.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Thủy lợi, bày tỏ quan điểm “mở đầu vào, siết chặt đầu ra” đang là xu thế chung của thế giới.
Theo ông Tuấn Anh, bằng việc kiểm soát chất lượng đầu ra chặt hơn với các trường, những em có điểm thi thấp quá sẽ chủ động không theo ĐH.