Đại học của những người nhận giải Nobel Vật lý 2017 có gì đặc biệt?
Thứ tư, 4/10/2017 06:20 (GMT+7)
06:20 4/10/2017
Giải Nobel Vật lý năm nay, một nửa được trao cho giáo sư của Viện Công nghệ Massachusetts, nửa còn lại thuộc về hai nhà khoa học của Viện Công nghệ California, Mỹ.
Năm nay, giải Nobel Vật lý thuộc về 3 nhà khoa học Rainer Weiss (phải), Barry C. Barish (giữa) và Kip S. Thorne với công trình khám phá sóng hấp dẫn.
Một nửa giải thưởng được trao cho giáo sư người Đức Weiss của Viện Công nghệ Massachusetts, trong khi nửa còn lại thuộc về hai nhà khoa học người Mỹ là Thorne và Barish của Viện Công nghệ California, Mỹ.
Tọa lạc tại thành phố Pasadena, bang California (Mỹ), Viện Công nghệ California (Caltech) có khuôn viên chính rộng 50 ha và là nơi học tập của hơn 2.000 học viên (cả đại học và sau đại học).
Mặc dù có quy mô nhỏ, thành tích của trường thuộc loại "khủng" trên thế giới. Tính đến năm 2016, 31 cựu học viên và giảng viên của Caltech đã nhận 32 giải Nobel, 66 người nhận Huy chương Khoa học Quốc gia của Mỹ, 112 giảng viên là viện sĩ của Viện Hàn lâm Quốc gia Mỹ.
Thành lập vào năm 1891, Caltech là một trong số các viện công nghệ ở Mỹ có xu hướng tập trung ngành kỹ thuật và khoa học ứng dụng. Bên cạnh đó, đây cũng chính là nơi đặt cơ sở tiền thân của Phòng Thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (thuộc NASA). Hiện tại, Caltech vẫn tiếp tục quản lý và vận hành phòng thí nghiệm này.
Theo bảng xếp hạng trường đại học trên thế giới của QS năm 2018, Caltech đứng thứ tư khi xét về tổng thể và ảnh hưởng của các nghiên cứu, thứ ba đối với tỷ lệ giảng viên/học viên.
Đối thủ cạnh tranh lâu năm nhất của Caltech chính là Viện Công nghệ Massachusetts. Thành lập năm 1861 với mục đích ban đầu là đáp ứng xu hướng công nghiệp hóa tại Mỹ, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) là một trong những trường đại học danh tiếng nhất thế giới. MIT nổi tiếng nhờ các hoạt động nghiên cứu và đào tạo trong các ngành khoa học vật lý, kỹ thuật cũng như các ngành sinh học, kinh tế học và quản lý.
Tọa lạc tại thành phố Cambridge, bang Massachusetts (Mỹ), khuôn viên của trường rộng 68 ha và là nơi học tập của gần 11.000 học viên (cả đại học và sau đại học). Dựa trên mô hình viện đại học bách khoa của châu Âu, MIT chú trọng đến việc giảng dạy trong phòng thí nghiệm.
Tính đến năm 2016, viện đại học này có 81 người được giải Nobel, 52 người nhận Huân chương Khoa học Quốc gia của Mỹ, 45 học giả Rhodes và 38 học giả MacArthur. MIT là một trong những cơ sở giáo dục bậc cao có tiêu chuẩn tuyển chọn sinh viên khắt khe nhất. Điển hình, khóa sẽ tốt nghiệp vào năm 2016 có 1.620 sinh viên được tuyển chọn từ 18.109 thí sinh. Như vậy, tỷ lệ được nhận vào chỉ 8,95%.
Trong bảng xếp hạng các trường đại học trên thế giới của QS năm 2018, MIT giữ vị trí quán quân khi xét về tổng thể, thứ 14 đối với tỷ lệ giảng viên/học viên, thứ 8 về mặt ảnh hưởng của các nghiên cứu.
Là một trong những trường có học phí đắt nhất ở Mỹ, Harvey Mudd đảm bảo cho sinh viên tương lai nhận lương cao hơn những người tốt nghiệp từ Harvard hay Stanford.
Tên các trường đại học ở Mỹ thường được đặt dựa trên địa điểm, chuyên ngành, trường công lập hoặc tư thục cũng như hệ thống giáo dục mà trường trực thuộc.