
Ngày 22/5 vừa qua, chính quyền Tổng thống Trump đột ngột chấm dứt quyền tuyển sinh sinh viên quốc tế của Đại học Harvard và đe dọa đến tình trạng pháp lý của hơn 1/4 sinh viên tại trường. Chưa đầy một ngày sau, Harvard "phản công" bằng cách đưa vụ việc ra tòa.
Cụ thể, vào sáng 23/5, Harvard khởi kiện chính phủ liên bang, nhấn mạnh rằng việc Bộ An ninh Nội địa chặn quyền tuyển sinh sinh viên quốc tế là bất hợp pháp.
Đồng thời, các luật sư của Harvard đã đề nghị tòa tạm thời ngăn chặn động thái này ngay lập tức, bởi vì “vô số chương trình học thuật, phòng nghiên cứu, phòng khám và khóa học” đã rơi vào tình trạng hỗn loạn do lệnh mới của chính quyền ông Trump.
“Không có sinh viên quốc tế, Harvard không còn là Harvard”, các luật sư của Đại học Harvard viết trong đơn kiện.
Chưa đầy hai giờ sau, một thẩm phán đồng ý, tạm thời đóng băng lệnh của chính quyền ông Trump cho đến khi hai bên gặp nhau tại các phiên điều trần diễn ra trong tuần tới.
Mặc dù giáo sư trường Luật Harvard Noah R. Feldman cho rằng khả năng tòa gia hạn lệnh cấm tạm thời sẽ khá cao, cuộc chiến pháp lý này vẫn làm gia tăng áp lực lên Harvard - cơ sở giáo dục đại học vốn đang trong thế đối đầu căng thẳng với Nhà Trắng.
Bức thư gây sốc từ Bộ An ninh Nội địa
Trước khi chính quyền ông Trump ban hành lệnh cấm, vào ngày 16/4, ban lãnh đạo của Đại học Harvard nhận được một bức thư gây sốc từ Bộ trưởng An ninh Nội địa Kristi Noem. Trong thư, bà Noem yêu cầu trường giao nộp thông tin về sinh viên quốc tế của trường, nếu không sẽ mất quyền tuyển sinh.
Bộ trưởng cũng đe dọa sẽ thu hồi chứng nhận Chương trình Sinh viên và Trao đổi Học viên (SEVP) của Đại học Harvard. SEVP là cơ sở dữ liệu do liên bang quản lý, các trường đại học cần có để quản lý thông tin của các du học sinh.
Để duy trì quyền truy cập, Harvard bị chính quyền ông Trump bắt cung cấp hồ sơ kỷ luật, pháp lý và học thuật của các sinh viên có visa. Nếu Harvard không tuân thủ, chính quyền sẽ coi đây là “rút lui tự nguyện” khỏi hệ thống liên bang, và trường sẽ không có quyền kháng cáo.
Cuối cùng, Harvard đồng ý gửi thông tin (nhưng có giới hạn) về sinh viên quốc tế cho chính phủ vào ngày 30/4, hạn chót do Bộ An ninh Nội địa đặt ra.
Theo tài liệu của tòa án, Đại học Harvard đã cung cấp hồ sơ về việc tuyển sinh sinh viên có visa F-1 cũng như các thông tin ghi lại những thay đổi về tình trạng nhập cư của sinh viên. Nhưng trong một email được gửi vào ngày 7/5, chính quyền ông Trump tuyên bố Harvard chưa hoàn thành nghĩa vụ và tiếp tục đe dọa xóa quyền truy cập SEVP của trường.
Bộ An ninh Nội địa nói rằng Harvard vẫn cần cung cấp thông tin liên quan hành vi pháp lý của sinh viên quốc tế, hành vi nguy hiểm hoặc bạo lực, hành vi vi phạm quyền hoặc đe dọa người khác tại Harvard. Bộ này không yêu cầu hồ sơ về hoạt động biểu tình hay học tập của sinh viên.
Harvard khẳng định trước tòa rằng nhà trường đã tiến hành tìm kiếm và tiếp tục cung cấp thông tin bổ sung phù hợp sau khi nhận email vào ngày 7/5 và tiếp tục làm điều tương tự vào ngày 14/5 sau khi nhận yêu cầu mới từ chính phủ.
Trước khi nộp hồ sơ vào ngày 14/5, các luật sư của Đại học Harvard đã hỏi liệu chính phủ có mở rộng phạm vi pháp lý của yêu cầu ban đầu hay không vì chính phủ đòi dữ liệu mở rộng về hồ sơ tội phạm, tình trạng bằng cấp và thông tin tuyển dụng của sinh viên quốc tế.
Email mà Harvard đệ trình cùng đơn kiện cho thấy quan chức của Bộ An ninh Nội địa đã phản hồi vào đúng ngày hạn nộp (14/5), khẳng định rằng yêu cầu ban đầu đã bao gồm những thông tin đó.
Trong hồ sơ ngày 14/5, Harvard viết rằng nhà trường không biết về bất kỳ án hình sự nào đối với các sinh viên du học theo diện visa F hoặc J. Trường chỉ có thể cung cấp mã SEVIS của một cựu sinh viên bị kỷ luật vì có “hành vi không phù hợp, có liên quan bạo lực", và cũng báo cáo 2 vận động viên sinh viên có visa F-1, từng bị cảnh cáo vào năm 2025.
Dù đã nộp hồ sơ, Bộ trưởng Noem vẫn quyết định thu hồi chứng nhận SEVP của Đại học Harvard với lý do trường không cung cấp đầy đủ thông tin.
![]() |
Đại học Harvard bị ảnh hưởng nặng nề vì sức ép của ông Trump. Ảnh: Harvard University. |
Harvard ảnh hưởng ra sao?
Nếu quyết định của chính quyền Tổng thống Trump có hiệu lực, nó sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với Đại học Harvard và cộng đồng sinh viên quốc tế tại đây.
Theo The Crimson, Đại học Harvard hiện có hơn 7.000 sinh viên học tập theo diện visa. Trong đơn kiện, nhà trường cho rằng chính phủ đã sử dụng những sinh viên này như “con tốt thí trong chiến dịch trả đũa". Lệnh cấm tuyển sinh quốc tế cũng sẽ khiến toàn bộ sinh viên quốc tế đang học tập, sinh sống ở Mỹ có nguy cơ bị trục xuất.
Khi đệ đơn kiện, Đại học Harvard đưa ra nhiều lập luận, tập trung vào các mối đe dọa đối với danh tiếng của trường và quyền lợi của sinh viên. Luật sư của trường viết rằng lệnh cấm sẽ làm tê liệt Harvard bằng cách giảm sản lượng nghiên cứu, hạn chế các khóa học và làm suy yếu khả năng cạnh tranh của trường với các đại học khác.
"Nếu tòa án không ngăn chặn, hành động của bị đơn sẽ gây ra tổn hại nghiêm trọng và không thể khắc phục đối với Đại học Harvard, sinh viên, giảng viên của trường và sứ mệnh giáo dục của họ", các luật sư nhấn mạnh.
Động thái này cũng đặt ra rủi ro tài chính đáng kể. Theo Viện Giáo dục Quốc tế, sinh viên quốc tế có xu hướng trả toàn bộ học phí và mức phí cao hơn tại các trường đại học Mỹ. Khi Harvard đã mất gần 3 tỷ USD tiền tài trợ liên bang, lệnh cấm hôm 22/5 có thể khiến tình hình tài chính của trường thêm trầm trọng.
Tương lai của Harvard đi về đâu?
Harvard đưa vụ việc ra tòa, sinh viên quốc tế ở trường vẫn còn mông lung, chưa rõ tương lai sẽ đi về đâu.
Ở thời điểm hiện tại, một thẩm phán liên bang mới cấp cho Harvard lệnh cấm tạm thời. Về cơ bản, lệnh này có thể ngăn chặn ngay những chính sách của chính quyền ông Trump cho đến khi có phiên điều trần. Vài ngày tới, hai bên sẽ gặp nhau tại tòa để tranh luận liệu có nên gia hạn lệnh cấm hay không.
“Chính quyền Tổng thống Trump sẽ phải quyết định liệu họ có kháng cáo lệnh cấm tạm thời hay không. Nếu họ làm vậy, họ sẽ kháng cáo lên Tòa phúc thẩm khu vực một - nơi họ sẽ thua. Sau đó, họ có thể tiếp tục kháng cáo lên Tòa Tối cao, và tôi dự đoán họ vẫn sẽ thua", giáo sư Feldman dự đoán.
Nhưng dù vậy, ngay cả khi Harvard giành chiến thắng, cuộc tấn công quyết liệt từ Nhà Trắng nhằm vào trường đại học lâu đời nhất nước Mỹ vẫn có thể khiến sinh viên gặp khó khăn.
Có thể Harvard sẽ cần một cuộc chiến pháp lý dài hơi để bảo vệ quyền lợi của mình và sinh viên. Quá trình đó rồi sẽ tiếp tục làm xáo trộn cuộc sống, việc học của hàng nghìn sinh viên quốc tế - những người phải sống phụ thuộc vào phán quyết của tòa trong nhiều tháng, dù các phiên tòa có thể bảo vệ họ thêm một thời gian.
Không dừng lại ở đó, cuộc đấu tranh liên quan sinh viên quốc tế cũng có thể gây ảnh hưởng đến thiện chí giữa lãnh đạo Harvard và Nhà Trắng.
Hiện tại, Harvard đang đối mặt với gần chục cuộc điều tra từ chính quyền ông Trump và Quốc hội, và nhà trường có thể tiếp tục đối mặt với các cuộc thanh tra và cắt giảm ngân sách.
Ngay cả khi những vấn đề đó được phản kháng tại tòa, chúng vẫn có thể khiến ngôi trường hàng trăm năm tuổi chìm sâu vào các cuộc chiến pháp lý tốn kém, gây ảnh hưởng đáng kể đến nguồn thu và danh tiếng của trường.
Bí mật trí tuệ của người Do Thái
Trí Tuệ Do Thái không dừng lại ở giới hạn của một cuốn sách triết lý hay sách kỹ năng. Thông qua Jerome, một kẻ lông bông thích la cà, tác giả đưa người đọc vào một chuyến khám phá về trí tuệ của người Do Thái, từ đó khơi ra những giới hạn để người đọc có thể tự khai phá trí tuệ bản thân với "Năm nguyên tắc" và "Mười lăm gợi ý".
Đây sẽ là những bài học quý giá dành cho những ai muốn tồn tại và phát triển mạnh mẽ, không chỉ với con đường thành công của riêng mình.