"Ra nước ngoài, mình kể Việt Nam chỉ có 6 đại học (university) khiến nhiều người ngạc nhiên vì cùng một quy mô dân số như vậy, nhiều nước phải có đến trăm đại học, gấp gần 20 lần con số tại Việt Nam", chuyên gia giáo dục Lê Đình Hiếu kể với Zing.
Thông tin về việc trường Đại học Bách khoa Hà Nội trở thành Đại học Bách khoa Hà Nội gây bất ngờ cho nhiều người vì hầu hết không biết việc "trường đại học" và "đại học" là hai khái niệm khác nhau. Đại học Bách khoa Hà Nội là đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ trực thuộc Bộ GD&ĐT, có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng.
Theo ông Hiếu, việc nâng cấp Đại học Bách khoa Hà Nội và tạo điều kiện nâng cấp các trường đại học lên đại học nói chung sẽ tốt cho nền giáo dục, mở ra cơ hội cho các đại học đào tạo đa ngành, phù hợp với xu thế việc làm hiện nay.
Mô hình "đại học trong đại học" ở nước ngoài
Ông Hiếu cho hay không phải riêng Mỹ mà nhiều nước trên thế giới đi theo mô hình đại học đa ngành. Nguyên tắc của đại học đa ngành là trong đại học thì có đại học trực thuộc, thường gọi là đại học thành viên hoặc trường thành viên. Rất nhiều đại học ở Mỹ không có chức năng giảng dạy mà trường thành viên mới giảng dạy.
Chuyên gia giáo dục Lê Đình Hiếu. Ảnh: NVCC. |
Theo đó, đại học lớn được gọi là “university”. Dưới đại học là các trường đại học gọi là “school” hoặc “college”. Đây là 2 khái niệm tương đương và được dùng lẫn lộn với nhau, có chức năng giảng dạy và đào tạo.
Trong đó, “school” thường để chỉ đào tạo các lĩnh vực hẹp, gồm nhiều ngành (“major”), dưới “major” là chuyên ngành sâu (“concentration”). “College” lại đào tạo về một lĩnh vực lớn gồm nhiều khoa (“department”).
“Thực ra, định nghĩa giữa ‘school’ và ‘college’ hơi khó phân biệt vì thế giới còn tồn tại nhiều tranh cãi về định nghĩa về lĩnh vực rộng/hẹp”, ông Hiếu lấy ví dụ về Đại học Pennsylvania, nơi ông lấy bằng thạc sĩ Giáo dục. Đại học này có 12 trường thành viên (school), trong số đó có thể kể đến là trường Khoa học và Nghệ thuật (School of Arts and Science) và trường Giáo dục (School of Education).
Song hành với “school” và “college” là các bộ phận hành chính khác được gọi là “office” như Phòng hành chính (Office of Administration) hay Phòng Công tác sinh viên (The Office of Admissions and Student Affairs)...
Cả “office”, “school” và “college” đều thuộc quyền quản lý của “university”. Ở đây, “university” có chức năng quản lý và điều hành 3 đơn vị nói trên.
Nhận xét về cách dùng “university” trong tên các trường đại học ở Việt Nam, ông Hiếu cho rằng cách dùng từ của Việt Nam không phân biệt được university và school/college.
Ngoài ra, theo ông Hiếu, các đại học (university) tại Việt Nam đang làm chức năng có phần khác với đại học Mỹ. Trong khi các đại học Mỹ tập trung nhiều hơn vào nghiên cứu, đại học tại Việt Nam lại tập trung giảng dạy và đào tạo hơn.
Ông Hiếu nhận xét mô hình "đại học trong đại học" là mô hình phổ biến trên thế giới. Tuy nhiên, không nên lấy nó làm chuẩn mực vì có rất nhiều quốc gia khác họ vẫn duy trì từng trường một độc lập đi theo đúng một lĩnh vực chuyên môn duy nhất và không trực thuộc đại học mẹ như Nhật Bản hay Israel...
Không chỉ Việt Nam, các trường đại học trên thế giới vẫn còn lẫn lộn nhiều cách gọi phức tạp, đôi khi là dựa trên các yếu tố đặc thù về lịch sử, địa phương.
Tại Anh, cùng thuộc khối Đại học London nhưng lại có cả university, college và school ngang hàng: University of London, University College London và London School of Economics and Political Science. Trong khi University of London có 9 trường thành viên thì University College London lại có 11 khoa và không có trường thành viên.
Trong khi đó, tại Mỹ, bên cạnh University of Boston, một trường khác là Boston College cũng tồn tại với quy mô tương đương. Boston College có 8 trường thành viên (3 schools, 5 colleges) nhưng họ vẫn chọn tên là là "college" để ghi nhớ về nguồn gốc của trường từng là một đại học khai phóng (a liberal arts college).
Sinh viên có thể học đa ngành trong đại học
Ông Hiếu dự đoán sau khi trường Đại học Bách khoa Hà Nội lên Đại học Bách khoa Hà Nội, một số viện trong trường sẽ được nâng cấp lên thành trường.
"Ngoài ra, Đại học Bách khoa Hà Nội có thể mở thêm các trường thành viên dạy các ngành mới như Kinh doanh hay Y sinh. Nếu chỉ nâng cấp các viện lên trường, Đại học Bách khoa Hà Nội vẫn chỉ là một trường đào tạo về kỹ thuật, công nghệ", ông Hiếu nói.
Bên cạnh nâng cấp các viện lên trường đại học, ĐH Bách khoa Hà Nội có thể mở thêm các trường thành viên dạy các ngành mới. Ảnh: HUST. |
Ông lấy ví dụ một ngôi trường khác là ĐH Kinh tế TP.HCM (UEH). Tháng 10/2021, Trường ĐH UEH chính thức công bố thành lập 3 trường thành viên thuộc trường, gồm: Trường Kinh doanh UEH; Trường Kinh tế, luật và quản lý nhà nước UEH; Trường Công nghệ và thiết kế UEH. Theo lộ trình, giai đoạn 2022 - 2025, trường sẽ trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án thành lập ĐH UEH.
Theo ông, việc các trường đại học có thể trở thành đại học là "rất tốt".
Đầu tiên, mô hình này có thể mở ra tương lai đào tạo và nghiên cứu đa ngành, đáp ứng yêu cầu của thị trường việc làm thế giới hiện nay và có thể có nhiều ứng dụng tốt cho đời sống.
"Lấy ví dụ về ngành Y, trong tương lai, bác sĩ, y tá, kỹ thuật viên y tế sẽ sử dụng công nghệ rất nhiều. Nếu chỉ đào tạo ngành y theo đúng truyền thống của ngành y, tập trung vào hóa sinh thì sẽ bỏ qua một loạt kỹ năng bắt buộc một người làm ngành y phải có như đọc - phân tích số liệu...", ông giải thích.
Từ đó, mô hình này đáp ứng nhu cầu học tập thực tiễn của xã hội. Sinh viên các đại học có thể học đa ngành, song ngành một cách dễ dàng, tiết kiệm thời gian và công sức.
Ngoài ra, việc nâng cấp, mở rộng các đại học lớn cũng có thể mở ra con đường hợp tác phát triển lâu dài. Việc nâng cấp các trường đại học lên thành đại học đào tạo đa lĩnh vực sẽ giúp chính trường này xây dựng mối quan hệ với các đại học khác trên thế giới.
Sách về nghề giáo
Nếu độc giả có hứng thú với nghề giáo - một nghề nghiệp đặc biệt và đang trải qua những biến động lớn, mục Giáo dục giới thiệu một số lựa chọn:
Xin được nói thẳng (GS Hoàng Tụy) và Ước vọng cho học đường (GS Huỳnh Như Phương): Cuốn sách của hai nhà giáo tiên phong tại Việt Nam với nhiều suy nghĩ và những trăn trở của hai ông về tương lai nền giáo dục nước nhà.
Nghề giáo qua các tác phẩm thiếu nhi nổi tiếng: Tình thầy trò trong các tác phẩm văn chương nổi tiếng khiến độc giả cảm động bởi các nhân vật đã làm được những việc lớn lao, vượt xa chức trách của một giáo viên