Từ 10 năm trước, ĐH Nông Lâm TP.HCM đã được giao nhiệm vụ mở phân hiệu tại tỉnh Gia Lai, sau đó là tỉnh Ninh Thuận, với mục đích hỗ trợ 2 trường CĐ sư phạm tại 2 địa phương này là CĐ Gia Lai và CĐ Sư phạm Ninh Thuận nâng cấp lên trường ĐH rồi giao lại cho địa phương.
Tuy nhiên, trước tình hình khó khăn trong tuyển sinh, 2 địa phương này không còn mặn mà với việc mở trường ĐH.
Phân hiệu trường lớn ở tỉnh đìu hiu
PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng, Hiệu trưởng ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho biết 2 phân hiệu của trường tại 2 tỉnh Gia Lai và Ninh Thuận luôn khó khăn trong tuyển sinh kéo dài nhiều năm.
Nếu như những năm trước, 2 phân hiệu này chỉ tuyển sinh tại khu vực lân cận thì năm 2018 điểm xét tuyển chỉ 15 và mở rộng vùng tuyển sinh ra cả nước vẫn tuyển không đủ. Việc mở ngành đào tạo nhân lực cho địa phương phải xem lại.
Sinh viên phân hiệu Gia Lai của ĐH Nông Lâm TP.HCM. Ảnh: Người Lao Động. |
Theo ông Hùng, 2 phân hiệu của ĐH Nông Lâm TP.HCM mở ngành đào tạo theo đề nghị của địa phương để phù hợp mục tiêu đào tạo nhân lực cho địa phương. Tuy nhiên, xu hướng của đa phần học sinh sau THPT là vẫn muốn về các thành phố lớn để học, các em không thích "ăn cơm nhà học ĐH".
Không riêng gì 2 phân hiệu của ĐH Nông Lâm TP.HCM, phân hiệu tại tỉnh Bến Tre của ĐH Quốc gia TP.HCM cũng vất vả tuyển sinh. Năm 2018, Phân hiệu ĐH Quốc gia TP.HCM do các trường thành viên trực tiếp đào tạo và cấp văn bằng chính quy gồm: ĐH Bách khoa, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Công nghệ Thông tin phải thông báo xét tuyển sinh bổ sung.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM, cho rằng mở phân hiệu tại các tỉnh lẻ không hẳn là bài toán hay vì học sinh có xu hướng tìm về các đô thị lớn để học, để tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp.
Trong khi đó, việc mở phân hiệu sẽ làm cho các trường ĐH phân tán lực lượng, lãng phí nguồn lực đầu tư. Việc đào tạo nhân lực cho địa phương không nhất thiết phải mở trường, mở phân hiệu mà chỉ cần công khai thông tin nhu cầu nhân lực thì sinh viên sau khi tốt nghiệp sẽ tìm đến, tất nhiên kèm theo chế độ đãi ngộ.
Trường tỉnh bế tắc
Các trường ĐH ở tỉnh chủ yếu được thành lập khi có trào lưu nâng cấp mở mới hàng loạt trường ĐH. Khi đó, tỉnh nào cũng muốn sở hữu ít nhất một trường ĐH nhưng bẵng đi một thời gian, nhiều trường ĐH hoạt động không hiệu quả, trở thành "những con tàu há miệng".
Năm 2018, ĐH Phạm Văn Đồng (tỉnh Quảng Ngãi) có chỉ tiêu tuyển 1.554 học sinh, sinh viên ở các trình độ từ trung cấp đến ĐH nhưng kết quả tuyển sinh các hệ được nhà trường cho biết chưa tới 1.000.
TS Trần Đình Thám, Phó hiệu trưởng ĐH Phạm Văn Đồng, cho biết khó khăn trong tuyển sinh không chỉ riêng trong năm nay mà đã kéo dài từ nhiều năm qua, trong đó sụt giảm nhiều nhất là nhóm ngành sư phạm. ĐH Phú Yên cũng chung hoàn cảnh khi kết quả tuyển sinh hàng năm cũng chỉ đạt khoảng 40%.
Để duy trì hoạt động của các trường ĐH, hàng năm, các tỉnh đều phải cấp rót hàng chục tỷ đồng. Chẳng hạn như Quảng Ngãi, năm 2016 là trên 48 tỷ đồng, năm 2017 là 32,6 tỷ, năm 2018 gần 33 tỷ đồng.
PGS.TS Đỗ Văn Xê, nguyên Phó hiệu trưởng ĐH Cần Thơ, cho rằng tỉnh có trường ĐH nhưng nếu chỉ dành riêng cho con em tỉnh nhà thì "coi không được".
Ngoài ra, nếu tuyển như vậy thì không đủ chỉ tiêu, sẽ rơi vào tình trạng lãng phí. Mặt khác, vì là trường công lập nên chỉ được thu học phí do Thủ tướng quy định. Mức thu như hiện nay không đủ để chi, do đó phải lấy ngân sách của tỉnh bù vào. Làm như vậy có nghĩa là lấy ngân sách của tỉnh này để đào tạo nhân lực tỉnh khác.
Trước sức ép phải thay đổi cùng áp lực tài chính mà tỉnh An Giang phải cấp rót hằng năm, có thông tin ĐH An Giang chắc chắn sẽ là thành viên của ĐH Quốc gia TP.HCM.
Câu chuyện ĐH An Giang về ĐH Quốc gia TP.HCM đã được đề cập từ vài ba năm nay nhưng theo nguồn tin của Báo Người Lao Động, đến nay mọi chuyện đã được xem xét kỹ lưỡng và bàn bạc xong. Còn số phận những ĐH tỉnh lẻ khác sẽ ra sao?
Đại học trở nên quá dư thừa
PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, cho rằng có một thời gian, việc lập trường ĐH mới như nấm sau mưa xuất phát từ so sánh số người có trình độ ĐH/chục nghìn dân với các quốc gia ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, đó là thời điểm dân số bùng nổ. Nay số lượng học sinh tốt nghiệp THPT giảm dần theo từng năm thì trường ĐH trở nên dư thừa.
Bên cạnh đó, việc đào tạo ở nhiều trường ĐH không đáp ứng được yêu cầu của thời đại mới. Do vậy, các trường hoạt động không hiệu quả sẽ phải tổ chức lại sao cho hiệu quả hoặc phải đóng cửa.