Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đại học xét tổ hợp tréo ngoe, thiếu môn 'đinh', Bộ GD&ĐT nói gì?

Liên quan đến việc các trường tuyển sinh bằng tổ hợp thiếu các môn "đinh" liên quan ngành đào tạo, Bộ GD&ĐT yêu cầu phải rà soát lại.

Ông Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT. Ảnh: Bộ GD&ĐT.

Theo Thứ trưởng GD&ĐT Hoàng Minh Sơn, các trường chưa hiểu rõ sự khác nhau giữa năm nay và các năm trước.

Cụ thể, theo chương trình giáo dục phổ thông cũ, học sinh phổ thông bắt buộc học tất cả môn.

Khi hình thành tổ hợp 3 môn, ví dụ với ngành Y, các trường có thể tuyển sinh cả tổ hợp không có môn Sinh như Toán - Hóa - Anh. Nhưng do bắt buộc học mọi môn, thí sinh đã có kiến thức nhất định ở môn Sinh, vẫn có thể theo học bậc đại học nếu trúng tuyển.

Tuy nhiên, ở năm nay, thí sinh học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, các em phải học môn bắt buộc là Toán, Văn, Lịch sử và Ngoại ngữ 1, cùng các môn lựa chọn.

Điều này dẫn đến việc các em có thể có thể xét tuyển tổ hợp Toán - Hóa - Anh vào ngành Y, nhưng không học môn Sinh ở phổ thông, dẫn đến thiếu hụt kiến thức.

"Tất nhiên cũng phải nói em nào không học Sinh mà tự tin thi Y thì phải xem lại. Nhưng cũng có thể do các em không đủ thông tin, vẫn đăng ký và trúng tuyển", ông Sơn nói.

Trước vấn đề này, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu Vụ Giáo dục Đại học có công văn yêu cầu các trường phải rà soát lại.

Ông Sơn nhấn mạnh các trường có quyền tự chủ, nhưng bộ vẫn rà soát, nhắc nhở dựa trên quy chế tuyển sinh. Các ngành và tổ hợp tuyển sinh phải đáp ứng nguyên tắc cơ bản trong tuyển sinh, đó là có độ tin cậy, đánh giá được yêu cầu đầu vào, phân loại thí sinh.

"Nếu một tổ hợp mà không đánh giá được kiến thức, năng lực cốt lõi của ngành đó thì các trường phải xem lại", ông Sơn nhấn mạnh.

Năm 2025, theo quy chế tuyển sinh đại học của Bộ GD&ĐT, các trường không bị giới hạn số lượng tổ hợp xét tuyển đối với mỗi ngành, chương trình đào tạo.

Theo ông Sơn, các trường có thể đưa ra nhiều tổ hợp khác nhau nhưng phải đáp ứng nguyên tắc nêu trên. Giải pháp là các trường có thể đặt tiêu chí phụ cho ngưỡng đầu vào. Chẳng hạn, một trường muốn tuyển ngành Y bằng tổ hợp Toán - Hóa - Anh cần đặt ra yêu cầu học sinh phải học môn Sinh ở bậc phổ thông và đạt yêu cầu về điểm tổng kết.

"Thời gian tới, điều này cũng được bộ đưa ra để áp dụng cho tuyển sinh ở khối ngành Sức khỏe. Em nào đã chọn thì phải có kiến thức nền về môn cần học trong chương trình. Môn này có thể không trực tiếp nằm trong tổ hợp xét tuyển nhưng các em phải có kiến thức nhất định", thứ trưởng nói.

Trước đó, như Tri Thức - Znews đã đưa tin, nhiều trường đại học đưa ra tổ hợp xét tuyển không có môn chính liên quan đến ngành đào tạo.

Ví dụ, ngành Sư phạm Hóa xét tuyển tổ hợp Toán - Văn - Lý, Toán - Văn - Anh (không có môn Hóa); hoặc sử dụng tổ hợp Toán - Văn - Anh, Toán - Văn - Lý, Toán - Lý - Anh để tuyển sinh ngành Y khoa và Y học cổ truyền (không có môn Hóa và Sinh)...

Việc đa dạng tổ hợp môn xét tuyển nhằm mở rộng cơ hội vào đại học cho thí sinh, đồng thời giúp các trường phát huy quyền tự chủ trong xây dựng tổ hợp xét tuyển.

Tuy nhiên, việc xây dựng tổ hợp "lạ" này khiến nhiều người lo ngại đến chất lượng đào tạo và nguồn nhân lực tương lai.

Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp

Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.

Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.

Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.

Tuyển sinh ngành Y không cần môn Hóa, Sinh, thí sinh hoang mang

Các trường đại học tuyển sinh bằng tổ hợp lạ, thiếu các môn "đinh" liên quan ngành đào tạo. Điều này khiến thí sinh lo lắng đầu vào khó đảm bảo chất lượng.

Ngọc Bích

Bạn có thể quan tâm