Bệnh nhân sởi đầu tiên trong 2024 ở Đài Loan không có tiền sử du lịch nước ngoài. Ảnh minh họa: Freepik. |
ETtoday đưa tin Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Đài Loan (Trung Quốc) thông báo đã ghi nhận trường hợp nhiễm sởi đầu tiên trong năm nay.
Bệnh nhân là người đàn ông khoảng 30 tuổi, sống ở khu vực phía Bắc Đài Loan. Người này sốt cao vào ngày 12/2. Vài ngày sau, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng ho, đau họng, phát ban.
Khi đến bệnh viện cấp cứu và thực hiện hàng loạt xét nghiệm, người đàn ông được chẩn đoán mắc sởi và lập tức được đưa vào phòng cách ly.
Theo CDC Đài Loan, bệnh nhân không có lịch sử du lịch nước ngoài, đã đi ăn sushi tại một nhà hàng ở Trung Sơn, Đài Bắc trước khi phát bệnh.
Vì vậy, đây được xác định là trường hợp lây nhiễm sởi nội địa đầu tiên tại Đài Loan (Trung Quốc) trong năm. Tổng cộng 199 người tiếp xúc gần với bệnh nhân đang được theo dõi y tế.
Theo số liệu giám sát của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), dịch sởi gia tăng đáng kể trên toàn cầu từ năm 2023. Khu vực châu Âu đã báo cáo hơn 58.000 mắc sởi, cao gấp 62 lần so với năm 2022.
Khu vực Địa Trung Hải báo cáo gần 89.000 ca, cao gấp 1,6 lần so với năm 2022. Khu vực Đông Nam Á ghi nhận gần 85.000 ca mắc sởi, cao gấp 1,7 lần so với năm 2022.
Sởi là bệnh nhiễm trùng lây lan rất dễ dàng. Virus sởi tồn tại dưới dạng những giọt nhỏ bắn ra từ mũi và miệng khi người nhiễm bệnh ho hoặc hắt hơi.
Virus sởi có thể tồn tại trên bề mặt trong vài giờ. Do đó, mọi người có thể dễ dàng mắc bệnh sởi nếu hít phải những giọt nước này hoặc chạm vào bề mặt chứa các giọt nước rồi đưa tay lên mũi, miệng.
Bệnh sởi dễ lây lan đến mức nếu một người mắc bệnh này, có tới 9/10 người xung quanh họ cũng sẽ bị nhiễm bệnh nếu không được bảo vệ bằng cách đeo khẩu trang hoặc tiêm vaccine.
WHO khuyến nghị các cơ sở y tế cần chú ý những trường hợp sốt phát ban và có triệu chứng giống bệnh sởi như ho, sổ mũi hoặc đau mắt đỏ, đồng thời chú ý đến những người gần đây đi du lịch nước ngoài, đặc biệt là những quốc gia bùng phát dịch sởi.
Biến chứng do sởi có thể nghiêm trọng như nhiễm trùng huyết, viêm phổi hoặc sưng não. Vì vậy, khi có triệu chứng nghi ngờ mắc sởi, người dân cần đến ngay cơ sở y tế thăm khám để điều trị kịp thời và tránh gây ra sự lây lan rộng.
Sách dành cho thời thanh xuân đã qua của bạn
Dành cho những độc giả muốn hoài niệm về một thời thanh xuân đã qua (hoặc chưa từng qua), mục Giáo dục trân trọng giới thiệu Ai đó chạy cùng ta, câu chuyện về tình yêu, về tuổi trẻ "tuột xích", về hành trình trưởng thành, đặt trong bối cảnh xã hội Israel hiện đại; hay Nắp biển, một lời tự sự của người ưa hoài niệm trong những khoảnh khắc cô đơn chỉ biết nhớ về những điều đã cũ; hoặc thân thuộc hơn, 8 bộ manga nổi tiếng về chủ đề thanh xuân.