Ngân hà thường xuất hiện trong những câu chuyện cổ tích, được ví như dải lụa lấp lánh vắt ngang trên bầu trời. Bằng mắt thường, con người hầu như không thể chạm đến vẻ đẹp tuyệt mỹ như những gì cổ tích miêu tả. Tuy nhiên, công nghệ và kỹ năng của các nhiếp ảnh gia hoàn toàn có thể tái hiện vẻ đẹp siêu thực đó qua những bức hình. |
Để "săn" ngân hà, nhiếp ảnh gia Nguyễn Nhật Minh chia sẻ cần chọn những nơi hoang sơ, rộng lớn và không chịu ảnh hưởng từ ánh sáng đô thị. Nhiếp ảnh gia chia sẻ từng chiêm ngưỡng dải ngân hà ở Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), Đà Lạt (Lâm Đồng)... Mới đây, anh tìm đến Ninh Thuận để tiếp tục hành trình ngắm nhìn dải ngân hà vắt giữa biển nước Việt Nam. |
Công cụ nhiếp ảnh gia sử dụng gồm chân máy, đèn pin, máy ảnh, lens góc rộng có khẩu độ lớn như 16-35 f2.8, 12-24 f4 hay 14-24 f2.8... |
Nhiếp ảnh gia này chọn 2 điểm nổi tiếng ở Ninh Thuận là Hang Rái và Hòn Đỏ. "Ninh Thuận là một điểm đến hoang sơ, có nhiều nơi ít người lui tới và đặc biệt không bị nhiễu sáng đô thị", anh chia sẻ. Cuộc "săn" ngân hà kéo dài trong 8 giờ. Nhật Minh chia sẻ điều thú vị nhất trong cuộc đi săn là cảm giác được ngắm nhìn thiên nhiên hùng vĩ khi màn đêm buông phủ. |
Khung cảnh tuyệt mỹ ở Hang Rái còn đậm chất tiên hơn nhờ một khối đá khổng lồ được ví như bàn thạch mà chư tiên dùng để thưởng trà, đàm đạo việc thiên hạ. Đây cũng là địa điểm nhiều nhiếp ảnh gia tìm đến để thực hiện các bộ ảnh phơi sáng ấn tượng. Một bức ảnh bàn thạch ấn tượng thường xuất hiện những con sóng tràn qua khối đá. Sóng càng to, bức ảnh sẽ thêm phần ấn tượng hơn. |
Nhật Minh cho biết từng nhiều lần "săn" hụt ngân hà trong quá khứ vì thiếu kinh nghiệm. Sau những thất bại, anh nhận ra yếu tố tối quan trọng cho bức ảnh ngân hà thành công là thời tiết. Điều kiện tốt nhất là trời phải quang mây để cảm nhận dải ngân hà một cách trọn vẹn nhất. |
Nếu đã thức đêm "săn" ngân hà, bạn cũng nên cố thêm chút nữa để chiêm ngưỡng cảnh mặt trời mọc trên biển. Thời điểm từ 5h30-6h là lúc tốt nhất để các tay máy trổ tài. |