Cục cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) vừa phối hợp công an một số địa phương triệt phá nhiều đường ma túy số lượng lớn. Nhiều người lo ngại, phải chăng Việt Nam đang trở thành trung tâm trung chuyển ma túy của các băng tội phạm?
Zing.vn có cuộc trao đổi với PGS.TS, đại tá Đỗ Cảnh Thìn, nguyên Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm, Viện Khoa học Cảnh sát - Học viện Cảnh sát nhân dân, về những lo ngại trên.
PGS.TS, đại tá Đỗ Cảnh Thìn. Ảnh: Pháp Luật Việt Nam. |
Xu hướng tội phạm ma túy ngày càng phức tạp
- Ông bình luận gì sau hàng loạt vụ ma túy với số lượng rất lớn liên tiếp được triệt phá trong thời gian qua?
- Triệt phá được những vụ ma túy lớn như vừa qua chỉ là biểu hiện cuối cùng mà chúng ta nhìn thấy. Để phát hiện đường những dây ma túy xuyên quốc gia như vậy không phải chỉ trong ngày một ngày hai. Lực lượng trinh sát đã phải nằm vùng theo dõi cả mấy năm trời.
Làm án vô cùng khó khăn gian khổ. Để điều tra, khám phá một vụ mất rất nhiều công sức, nhiều khi phải trả giá bằng máu và nước mắt.
Đó là thành tích nhưng cũng là hồi chuông cảnh báo. Việc các lực lượng chức năng liên tiếp phát hiện, triệt phá lượng ma túy lớn đã phản ánh chính xác tình hình buôn bán, sử dụng ma túy ở Việt Nam và qua Việt Nam đến các nước.
- Lâu nay, chúng ta e ngại khi nhắc tới nguy cơ Việt Nam trở thành trung tâm trung chuyển ma túy của các nước. Giờ ông có suy nghĩ gì?
- Với những điều kiện tự nhiên về địa lý, kinh tế, xã hội như ở Việt Nam thì việc chúng ta là một địa bàn trung chuyển cũng là việc bình thường, không đến mức phải “kiêng kỵ”, không dám nhắc tới như lâu nay.
Song, đây là vấn đề đáng lo ngại. Việt Nam ở gần 2 trung tâm sản xuất ma túy lớn nhất thế giới là khu vực Lưỡi liềm Vàng và khu Tam giác Vàng. Chúng ta chỉ cách thủ phủ ma túy tam giác vàng chỉ khoảng 500 km.
Bên cạnh đó, Việt Nam có hệ thống giao thông thuận lợi với đầy đủ các phương thức từ cảng biển, hàng không, đường bộ, đường sắt… và tiếp giáp với nhiều nước.
Nghi phạm cầm đầu đường dây buôn ma túy phần lớn là người Trung Quốc. Ảnh: Công an cung cấp. |
Hơn nữa, ta đang trong giai đoạn mở cửa hội nhập quốc tế, chủ trương phát triển kinh tế, tạo điều kiện cho luân chuyển và giao lưu hàng hóa. Đây cũng là cơ hội cho tội phạm ma tuý lợi dụng, coi đây là địa bàn để trung chuyển ma túy ra nước ngoài.
Đặc biệt, lâu nay Việt Nam cũng là địa bàn có số người sử dụng ma túy lớn. Theo lẽ thường, người sử dụng ma túy cũng là tội phạm ma túy. Những kẻ điều hành sẽ lôi kéo người nghiện ma túy làm tay chân, mắt xích trong các đường dây buôn ma túy lớn.
- Ông lý giải thế nào khi trước đây, tội phạm ma túy chủ yếu chọn những nơi hẻo lánh ở các tỉnh biên giới và Tây Bắc để hoạt động, còn hiện nay lại chuyển hướng về những tỉnh, thành phía Nam?
- Vừa qua chúng ta có những đợt tấn công rất mạnh vào những đường dây ma túy ở các tỉnh Tây Bắc. Và khi bị đánh mạnh ở đâu thì tội phạm sẽ chuyển hướng hoạt động ra nơi khác.
Điều này cho thấy xu hướng tội phạm ma túy ngày càng phức tạp, tinh vi. Phương thức của chúng là lợi dụng nơi hớ hênh nhất, nhiều nơi chúng ta không lường trước được để thực hiện hành vi phạm tội. Ví dụ như một nhà kho bỏ hoang cũng có thể là xưởng điều chế, sản xuất ma túy.
Tội phạm ma túy không công khai nhưng rất ranh mãnh. Chúng cũng luôn nghĩ nơi nguy hiểm nhất có thể là nơi an toàn nhất để có thể che mắt quần chúng, gây khó khăn cho cơ quan điều tra.
Vì sao tội phạm ma túy liều lĩnh vận chuyển số lượng lớn?
- Nếu như trước đây, việc vận chuyển ma túy với số lượng vài kg đã là con số khủng khiếp thì nay ma túy được bắt với số lượng hàng tấn. Góc nhìn của ông thế nào về sự thay đổi này?
- Tội phạm ma túy đang biến đổi rất lớn về cơ cấu sử dụng và tiêu thụ ma túy. Trước đây, ma túy truyền thống thường được sử dụng là thuốc phiện và heroin nhưng giờ ma túy tổng hợp đang phát triển rất mạnh vì dễ điều chế, dễ tiêu thụ, dễ cất giấu, vận chuyển và có tính chất gây nghiện cao.
Buôn bán ma túy là loại hình siêu lợi nhuận, không chỉ có lợi nhuận 300% như một số người nói mà có thể lên tới hàng nghìn phần trăm.
Tội phạm ma túy với tâm lý “một lạng cũng chết, ba lạng cũng chết và cả tấn cũng chết” nên chúng thường liều lĩnh vận chuyển với số lượng lớn. Bên cạnh đó, việc này cũng xuất phát từ quy luật cung - cầu. Lượng người sử dụng ma túy lớn và gia tăng thì lượng cung sẽ tăng lên.
Cảnh sát lập biên bản người vi phạm tại một phòng hát. Ảnh: Công an Quảng Bình. |
- Những thực tế ông vừa nêu đặt ra thách thức nào đối với lực lượng phòng, chống tội phạm ma túy? Chúng ta cần tính đến giải pháp nào để ngăn chặn loại tội phạm này, thưa ông?
- Việt Nam có gần 100 triệu dân. Trong thời kỳ xã hội phát triển, tội phạm ma túy là nguồn gốc của nhiều loại tội phạm nên nó luôn tạo ra sức ép ghê gớm về mặt xã hội.
Mỗi nước có một đặc điểm riêng nên đấu tranh phòng chống ma túy ở các nước không giống nhau và cũng chưa có nước nào gọi là thành công.
Như Mexico là quốc gia giáp Mỹ, tội phạm ma túy ở đó lộng hành đến độ can thiệp cả vào hoạt động của Chính phủ, các ứng cử viên có động cơ đấu tranh chống ma túy sẽ bị tiêu diệt. Hay như Mỹ là quốc gia quyết liệt nhưng tỷ lệ tội phạm ma túy cũng vô cùng lớn.
Với Việt Nam, trước hết chúng ta phải có quan hệ hợp tác quốc tế với các nước trong ASEAN hoặc các nước láng giềng như Trung Quốc, thậm chí cả các nước châu Mỹ, châu Âu để tăng cường hợp tác về nghiệp vụ, thông tin, pháp luật… Việc này sẽ giúp chúng ta sớm nắm được thông tin về tội phạm ma tuý, về phương thức, thủ đoạn để có sự hợp tác về pháp lý.
Một kinh nghiệm tốt là việc hợp tác giữa Việt Nam và Australia trong vấn đề về phòng chống ma túy. Theo đó, Australia đã đặt một trung tâm phòng chống ma túy tại Việt Nam, phối hợp với chúng ta ngăn chặn, bắt giữ nhiều đường dây vận chuyển ma túy từ Việt Nam sang Australia và phối hợp với Việt Nam phá một số đường dây liên quan cả khu vực ASEAN.
Đây là kinh nghiệm tốt nhưng rất tiếc mô hình này trên thế giới chưa có nhiều.
Vai trò của các tổ chức chưa được thực hiện tốt
- Vừa qua, khi đột kích vào các nhà hàng, quán bar, vũ trường ở Việt Nam, lực lượng chức năng đều phát hiện nhiều người dương tính với chất ma túy. Ông có cảnh báo gì về tình trạng này?
- Một bộ phận giới trẻ hiện nay sử dụng ma túy, trong đó có ma túy tổng hợp. Ma túy tổng hợp lại là loại hình dễ điều chế, dễ vận chuyển, dễ sử dụng và dễ đạt được nhu cầu sử dụng nên tính lan tuyền, tác động của nó rất nhanh.
Chúng ta phải cảnh báo, giáo dục với toàn bộ hệ thống xã hội, nhất là giới trẻ để họ thấy rằng dính vào ma túy tức là tự cướp đi cơ hội của mình, đánh mất tương lai, sự nghiệp, sức khỏe, cuộc sống. Dính tới ma túy cũng là nắm chắc những hậu quả khôn lường.
Lâu nay, ta đề cập nhiều đến vai trò của các cấp, ngành, tổ chức trong vấn đề phòng ngừa tệ nạn, tội phạm ma túy nhưng vai trò của các tổ chức này chưa được thực hiện tốt. Nếu làm tốt công tác nắm tình hình, nắm chắc địa bàn, cơ sở và đối tượng thì sẽ sớm phát hiện các tụ điểm tổ chức, sử dụng ma túy, không để hình thành tụ điểm nhức nhối gây phức tạp xã hội.
Vì thế, ta phải thường xuyên kiểm tra, giám sát để khi có dấu hiệu phức tạp kịp thời ngăn chặn. Bởi các tụ điểm đó là nơi tụ tập sử dụng ma túy, là nơi lôi kéo những người biết chưa đến ma túy, kích thích lối sống ăn chơi, đua đòi khiến tình hình càng thêm phức tạp.
Gần đây, TP.HCM được coi là điểm “nóng” nhất về ma túy khi liên tiếp triệt phá các đường dây ma túy xuyên quốc gia với khối lượng vận chuyển lớn.
Chỉ tính riêng 10 ngày trung tuần tháng 3, Công an TP.HCM phối hợp cùng Cục cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) đã khám phá liên tiếp 3 vụ ma túy lớn, trong đó có 2 lô ma túy ở TP.HCM và 1 lô đã xuất đi Philippines bằng đường cảng biển với số lượng lên tới hơn một tấn ma túy đá.
Cuối tháng 3, Công an TP.HCM lại tiếp tục triệt phá đường dây vận chuyển gần 900 bánh heroin tại khu vực An Sương. Ngoài ra, khi đột kích nhiều quán bar, karaoke, nhà hàng, cảnh sát đều phát hiện tình trạng sử dụng trái phép ma túy.
Dư âm của vụ triệt phá đường dây ma túy “khủng” tại TP.HCM chưa kịp lắng xuống thì ngay sau đó, Công an 2 tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An cũng phát hiện, triệt phá vụ vận chuyển 600 kg ma túy tại Nghệ An.